Tin tức
Sẽ không còn “cửa riêng” cho doanh nghiệp Nhà nước?
(19/09/2012)

Bộ Xây dựng vừa phải trình Thủ tướng Chính phủ xin ngừng thí điểm 2 tập đoàn mà Bộ này làm chủ quản. Trong khi đó, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đề xuất bỏ ưu đãi riêng về tài chính, tín dụng cho DNNN. Công cuộc tái cơ cấu DNNN đang đặt các DN dưới những áp lực nặng nề.

 

2 năm thí điểm, mô hình được kỳ vọng gây… thất vọng

 

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin ngừng tổ chức thí điểm hai tập đoàn mà Bộ này làm chủ quản là Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) và Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC).

Tập đoàn Sông Đà (VNIC). Ảnh: MH

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, sau một thời gian được Chính phủ cho tiến hành thí điểm hoạt động, hai tập đoàn kinh tế trên đã bộc lộ yếu kém trong sản xuất kinh doanh và quản trị vốn, nhân lực, hiệu quả thu về không tương xứng với nguồn lực được Nhà nước giao.

 

Khi thành lập, Tập đoàn HUD được kỳ vọng sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, khai thác lợi thế nhờ thế mạnh về vốn, kinh nghiệm phát triển nhà và đô thị, năng lực thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình, sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp thành viên vốn đều là những thương hiệu lớn trong ngành.

 

Tương tự, VNIC được kỳ vọng là nơi quy tụ sức mạnh của các doanh nghiệp xây lắp hàng đầu Việt Nam, chế tạo cơ khí, đóng tàu phục vụ cho các dự án trong nước và xuất khẩu, làm tổng thầu EPC các dự án công nghiệp lớn. VNIC cũng đã xây dựng chiến lược trở thành tập đoàn công nghiệp, xây dựng mạnh ở khu vực và thế giới.

 

Tuy nhiên, chính sự góp mặt đông đảo của các thương hiệu lớn lại đang là trở ngại cho chính mô hình này, khi đó chỉ là phép cộng đơn thuần, không tạo thành sức mạnh tổng thể. Thực tế hơn 2 năm hoạt động, kết quả thanh tra  việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại VNIC, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm với số tiền phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỷ đồng.

 

Bán, giải thể DNNN thua lỗ kéo dài

 

Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến 12/2011, cả nước còn 1.309 DNNN với tổng tài sản gần 1.800 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 700 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 162 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN là 231 nghìn tỷ đồng, hàng năm đóng góp khoảng 27-30% GDP.

 

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. Một số tập đoàn, tổng công ty, DNNN tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, việc thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế…

 

Chia sẻ tại Hội thảo “Tái cấu trúc DNNN và xử lý nợ xấu” vừa diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Tài Chính và tổ chức JICA (Nhật Bản), ông Tiến cho biết, Đề án Tái cơ cấu DNNN rà soát phân loại DNNN theo 3 nhóm. Nhóm 1, các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà nhà nước cần kiểm soát. Nhóm 2 gồm các DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

 

Nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ) đối với DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch công ích,... Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) đối với những DN quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao...

 

Cuối cùng, đối với nhóm gồm các DN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục, sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng, giải thế, phá sản.

 

Từ góc độ của mình, ông Tiến cho rằng, để việc tái cơ cấu DNNN đạt được hiệu quả, cần ban hành Nghị định về quản trị DNNN, quy chế quản trị nội bộ và kiểm soát nội bộ, thực hiện phân cấp quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước… Đồng thời, ban hành Quy chế của người đại diện chủ sở hữu vốn và Quy định về vay nợ đầu tư của DNNN…

 

Theo ông Tiến, phải sớm thành lập Tổng cục quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp và hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, phải chấm dứt các ưu đãi về tài chính, tín dụng đối với các DNNN, thực hiện minh bạch đối với DN trong lĩnh vực, ngành nghề độc quyền tự nhiên.Hiện có 23 đơn vị được phê duyệt chương trình tái cơ cấu (22 đơn vị do Bộ chủ quản phê duyệt, 1 đơn vị do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt 9 đơn vị (7 tập đoàn, 2 tổng công ty đặc biệt).

 

 

Bách Linh – phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet