Tin tức
Nhận tội thay, xử tội gì?
(09/08/2012)

Cùng một hành vi nhận tội thay, tòa này xử tội che giấu tội phạm, tòa kia xử tội khai báo gian dối. Trao đổi, các chuyên gia cũng chia thành hai luồng quan điểm khác nhau về tội danh…

Do có mâu thuẫn từ trước, sáng 25-2-2012, ông M. đã tới quán cà phê của chị gái gây sự rồi đập phá bàn ghế nên bị công an xử phạt hành chính. Chiều cùng ngày, Hồ Tấn Hoàng về nhà thấy cha đứng khóc ngoài ngõ, kể rằng bị người cậu đánh, sau đó bà ngoại của Hoàng cũng kể rằng người cậu đập phá đồ đạc và đánh cha mẹ Hoàng.

Che giấu tội phạm?

Tức giận, Hoàng đã nhờ mẹ gọi điện thoại cho người cậu tới nói chuyện, đồng thời thủ sẵn một con dao với ý định sẽ hù dọa cậu. Thế nhưng khi người cậu tới, Hoàng lại nổi nóng dùng tuýp sắt trong quán của mẹ đập vào xe máy của cậu. Bị người cậu đánh lại, Hoàng dùng dao đâm liên tiếp ba nhát khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, thương con, mẹ của Hoàng đã “đầu thú”, tự nhận mình là người gây ra án mạng bằng hai nhát dao. Tuy nhiên, lời khai này lại không khớp với kết quả khám nghiệm tử thi cùng các chứng cứ khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã nhanh chóng phát hiện ra hung thủ đích thực là Hoàng.

Sau đó Hoàng bị bắt, khởi tố, truy tố về tội giết người. Ngày 31-7 vừa qua, TAND TP Đà Nẵng đã phạt Hoàng sáu năm sáu tháng tù về tội danh trên. Riêng đối với mẹ của Hoàng, kết luận điều tra và cáo trạng đều ghi rõ hành vi nhận tội thay cho con của bà này có dấu hiệu phạm tội che giấu tội phạm nhưng xuất phát từ tình thương con nên không xử lý hình sự. Tại phiên tòa, đại diện VKS cũng cho rằng hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội che giấu tội phạm nhưng cơ quan tố tụng xem xét miễn trách nhiệm hình sự với lý do như đã nói.

Cùng một hành vi nhận tội thay, mỗi tòa xử một kiểu. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD

Hay khai báo gian dối?

Ở một vụ nhận tội thay tương tự, các cơ quan tố tụng lại có quan điểm khác về tội danh.

Ngày 2-9-2001, tại quận Thủ Đức (TP.HCM), Nguyễn Thanh Phong chạy xe máy chở Trần Thanh Hùng, do chạy ẩu đã đụng phải một người đi đường khiến nạn nhân tử vong. Do Phong không có giấy phép lái xe nên Phong và Hùng đã thống nhất để Hùng đứng ra nhận tội thay nhằm nhẹ án.

Tuy nhiên, vì lời khai nhận tội của Hùng không khớp với các chứng cứ khác nên vụ án đã liên tục bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hơn hai năm sau, qua quá trình xét hỏi kèm các chứng cứ thu thập được, Phong đã phải cúi đầu thừa nhận chính mình lái xe gây ra tai nạn chết người. Sau đó, TAND quận Thủ Đức đã phạt Phong ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Hùng một năm tù treo về tội khai báo gian dối.

Tội gì: Còn tranh cãi!

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét: Phải xử lý hành vi nhận tội thay về tội khai báo gian dối mới chính xác.

Thẩm phán Hùng phân tích: Cả hai tội che giấu tội phạm (Điều 313 BLHS) và khai báo gian dối (Điều 307 BLHS) đều có xuất phát điểm là khai báo sai sự thật nhằm che đậy sự thực khách quan và làm lệch hướng điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, đối với tội che giấu tội phạm thì phải có sự tác động làm thay đổi chứng cứ, xóa vết tích vụ án và có tác động giúp thủ phạm lẩn trốn. Trong khi đó, hành vi nhận tội thay là nhận hẳn trách nhiệm về mình, cũng có tính chất đánh lạc hướng và làm khó cơ quan điều tra nhưng nếu không có sự tác động làm thay đổi vết tích vụ án, giúp thủ phạm lẩn trốn thì không thể phạm tội che giấu tội phạm. Do vậy, xử lý hành vi này về tội khai báo gian dối thì đúng hơn.

Hai luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có quan điểm ngược lại. Luật sư Sang nhấn mạnh: Xét về lý luận thì hành vi nhận tội thay phạm tội che giấu tội phạm mới hợp lý. Bởi lẽ tội khai báo gian dối chỉ áp dụng với các đối tượng là nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập lấy lời khai nhưng lại khai báo không đúng những gì mình biết. Tội này không nhất thiết phải biết người phạm tội là ai mà chỉ cần khai báo không đúng những gì mình biết trong vụ án. Còn hành vi nhận tội thay thì nhất thiết phải biết thủ phạm nhưng vì lý do nào đó mà đã không khai báo ra thủ phạm, đồng thời tác động che giấu đi tội phạm. Rõ ràng, hành vi nhận tội thay đã góp phần che giấu, giúp thủ phạm không bị phát hiện khiến cơ quan tố tụng lạc hướng, tạo điều kiện cho thủ phạm lẩn trốn…

Gia Lai: Thoát án nhờ bạn được đổi tội danh

Ngày 5-6-2009, tại Gia Lai, Tiêu Duy Dũng cùng bạn bè đi nhậu rồi xảy ra ẩu đả. Trong lúc đánh nhau, Dũng đã đâm một người chết. Sau khi gây án, Dũng gọi cho bạn là Nguyễn Anh Duy đề nghị nhận tội thay. Đồng tình, Duy ra “đầu thú” nhận mình là thủ phạm.

Cơ quan điều tra xác định Dũng gây án nên khởi tố Dũng về tội giết người, Duy về tội che giấu tội phạm. Tuy nhiên, sau đó khi xét xử, TAND tỉnh Gia Lai đã kết luận Dũng chỉ phạm tội cố ý gây thương tích và phạt 10 năm tù. Riêng với Duy, tòa tuyên Duy không phạm tội che giấu tội phạm bởi Điều 313 BLHS không quy định hành vi che giấu tội cố ý gây thương tích là tội phạm.

Đắk Lắk: Thoát tội nhờ được khoan hồng

Năm 2009, T. lái xe ô tô lấn trái gây tai nạn khiến hai nạn nhân bị thương tích nặng. T. về kể cho D. biết sự việc và cả hai thống nhất để D. nhận tội thay. Thế rồi D. ra “đầu thú” nên bị Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Về sau, D. đã viết đơn tố giác, khai ra chuyện nhận tội thay. Cuối năm 2009, D. được đình chỉ điều tra về tội vi phạm… nhưng lại bị khởi tố về tội khai báo gian dối. Ít lâu sau, VKS TP Buôn Ma Thuột đã miễn trách nhiệm hình sự cho D. vì cho rằng trong quá trình điều tra, D. thành khẩn khai báo, tố giác hành vi phạm tội của T., giúp cơ quan điều tra phát hiện, điều tra chính xác người gây tai nạn.

Cản trở phát hiện tội phạm

Việc nhận tội thay cho hung thủ đã đánh lạc hướng điều tra, tạo điều kiện về thời gian và cơ hội (vì không có người theo dõi hay nghi ngờ) để thủ phạm lẩn trốn. Hành vi này cản trở việc phát hiện tội phạm và bao che người phạm tội. Như vậy là phạm tội che giấu tội phạm.

Một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng

Chưa hẳn đã giúp thủ phạm lẩn trốn

Hành vi nhận tội thay là sự lấp liếm, che đậy sự thật nhưng không thể nói sự lấp liếm này đã xóa vết tích của vụ án. Vụ án vẫn còn đó, tang vật không hề có sự dịch chuyển, cũng không thể nói việc che đậy sự thật bằng cách nhận tội thay này giúp thủ phạm lẩn trốn.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Phải có tư cách nhất định

Theo Điều 307 BLHS thì chỉ xử lý về tội khai báo gian dối khi người khai gian có những tư cách tố tụng nhất định: Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng. Nếu không có các tư cách tố tụng này thì không xử lý về tội khai báo gian dối được.

Luật sư HOÀNG TƯ LƯỢNGĐoàn Luật sư TP.HCM

DƯƠNG HẰNG - phapluattp.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet