Tin tức
Bị kiện vì... từ chối trả trợ cấp cho công nhân?
(11/07/2012)

Do có sự không rõ ràng giữa doanh nghiệp ký hợp đồng và doanh nghiệp sử dụng lao động nên cty từ chối trả trợ cấp thôi việc cho người lao động phải hầu tòa trong một tranh chấp lao động không đáng có.

Bà Phạm Thị Bích Diệp (SN 1963) và bà Bùi Thị Cài (SN 1966) đều là công nhân lâu năm của Cty CP tập đoàn Vật liệu điện và Cơ khí (Từ năm 1986 và 1989). Năm 2006, Cty Vật liệu điện và Cơ khí thành lập Cty TNHH Cơ điện Elmaco và điều chuyển nhiều công nhân về làm việc tại đây.

Trong đó, bà Diệp được điều chuyển vào tháng 7/2006, bà Cài được điều chuyển từ tháng 9/2007. Theo các cựu công nhân của Cty Vật liệu điện và Cơ khí, khi được chuyển sang làm việc tại cty con, các công nhân vẫn làm việc theo hợp đồng lao động cũ với các chế độ, chính sách không thay đổi.

Năm 2011, bà Cài và bà Diệp cùng có đơn xin thôi việc tại Cty Elmaco với lý do công việc hiện tại không phù hợp với sức khỏe và được Cty Elmaco chấp nhận.

Theo đề nghị của hai bà, đơn vị sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho họ cả khoảng thời gian hai bà làm việc tại Cty Vật liệu điện và Cơ khí. Trong đó, bà Cài có thời gian lao động tại đơn vị này 22 năm, bà Diệp đã làm việc 25 năm.

Theo quy định của pháp luật lao động, khi người lao động thôi việc họ được hưởng một khoản trợ cấp thôi việc mỗi năm là nửa tháng lương, trừ thời gian mà doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Như vậy, tính sơ sơ thì hai công nhân này đã đòi Cty Elmaco phải trả trợ cấp thôi việc từ 9 đến 11 tháng lương. Nhưng Cty Elmaco đã từ chối. Theo đơn khởi kiện bà Diệp gửi TAND quận Long Biên thì Cty từ chối với lý do khó khăn về tài chính. Cho rằng lý do này không chính đáng nên người lao động xin thôi việc đồng loạt khởi kiện Cty Elmaco ra tòa đòi tiền trợ cấp.

Không những thế, Cty mẹ của Elmaco là Cty CP tập đoàn Vật liệu điện – Cơ khí cũng bị kiện cùng Cty con với tư cách là “người liên quan”. Bên khởi kiện cho rằng, Cty Vật liệu điện và Cơ khí là đơn vị ký hợp đồng với người lao động, cũng đồng thời là Cty mẹ của đơn vị quản lý, sử dụng lao động. Vì thế, Cty Vật liệu điện và Cơ khí là bên liên quan trực tiếp, sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khoản trợ cấp thôi việc của người lao động trong trường hợp Cty Elmaco từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.

Việc những người lao động khởi kiện cả hai doanh nghiệp nơi họ đã từng gắn bó hàng chục năm liệu có cơ sở pháp lý hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Đoàn Thu Nga, Giám đốc Cty luật Lawpro về vấn đề này.

Thưa Luật sư, trường hợp người lao động xin thôi việc và được cty chấp nhận thì người lao động có được hưởng trợ cấp thôi việc hay không?

- Theo Khoản 1, Điều 42 Bộ Luật Lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương.

Trường hợp người lao động xin thôi việc và được người sử dụng lao động đồng ý là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động nên người lao động xin thôi việc đương nhiên được hưởng trợ cấp lao động.

Trường hợp của những người lao động trên có điểm khác biệt do đơn vị sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động và đơn vị ký hợp đồng lao động là khác nhau. Vậy đơn vị nào chịu trách nhiệm trả tiền trợ cấp thôi việc, thưa bà?

- Trong thực tế, việc giải quyết trợ cấp thôi việc cho người lao động khá phức tạp do người lao động làm việc cho nhiều đơn vị khác nhau trong thời gian liên tục, khi chấm dứt hợp đồng lao động, đơn vị sử dụng lao động sau cùng lại là đơn vị bị đòi tiền trợ cấp thôi việc.

Theo Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì trường hợp người lao động trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước, nhưng chưa được trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (doanh nghiệp sử dụng lao động sau cùng) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đó theo quy định của pháp luật. Số tiền trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc ở các đơn vị khác sẽ do các đơn vị sử dụng lao động trước đây hoàn trả lại cho đơn vị đã trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Với quy định trên, theo tôi Cty Elmaco là đơn vị trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, sau đó sẽ yêu cầu Cty Vật liệu điện và Cơ khí hoàn lại số tiền trợ cấp đối với thời gian người lao động làm việc cho Cty mẹ này.

Như vậy, việc người lao động khởi kiện cả hai doanh nghiệp là có cơ sở, thưa bà?

- Theo một nguyên tắc chung là đơn vị nào sử dụng lao động thì đơn vị đó phải trả tiền trợ cấp thôi việc thì Cty vật liệu điện và Cơ khí phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian người lao động làm việc cho Cty này. Tuy nhiên, Cty Elmaco là người chấm dứt hợp đồng nên đứng ra trả thay và có quyền đòi lại số tiền trợ cấp thôi việc đã trả thay. Vì thế, nếu không thỏa thuận được thì phải đưa cả hai Cty này tham gia tố tụng để tòa án xem xét và xác định nghĩa vụ cho mỗi Cty. Nếu không đưa hai doanh nghiệp này tham gia tố tụng, người lao động sẽ thua thiệt.

Xin cảm ơn bà!

Bình Minh – phapluatvn.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet