Tin tức
Bị giữ bằng lái, có được chạy tiếp?
(20/07/2012)

 

Sau khi bị lập biên bản vi phạm “chở quá số người” và bị tạm giữ giấy phép lái xe thì tài xế tiếp tục chạy và gây ra tai nạn.

Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán nhưng chủ xe không đồng ý, viện lẽ tài xế vẫn có quyền lái xe.

Ngày 10-7, Trung tâm Trọng tài quốc tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa ông H. (TP Phan Rang, Ninh Thuận) với Công ty Bảo hiểm B.

Lái xe khi giấy phép đang bị tạm giữ

Theo trình bày của ông H., tháng 3-2011, ông có mua bảo hiểm cho chiếc ô tô mới của mình tại Công ty Bảo hiểm B. với thời hạn một năm.

Ngày 12-10-2011, tài xế T. là bạn của ông H. lái chiếc xe trên cùng ông đi công tác miền Trung. Khi đến địa phận tỉnh Phú Yên, tài xế bị CSGT Phú Yên lập biên bản vi phạm vì lỗi chở quá số người quy định trên buồng lái xe. CSGT tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế và hẹn 10 ngày sau giải quyết. Liền sau đó, xe ô tô tiếp tục lưu thông đến Quảng Ngãi. Sáng 14-10, khi xe đến địa bàn thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa thì xảy ra tai nạn giao thông. Vụ tai nạn không gây thiệt hại gì về người nhưng khiến ô tô hư hỏng nặng phần đầu xe.

Sau khi Công an huyện Tư Nghĩa giải quyết tai nạn xong, ông H. đã yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả tổn thất. Tuy nhiên, công ty đã từ chối thanh toán bảo hiểm.

Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT “tuýt còi” thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế.Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: HTD

Mỗi bên mỗi lẽ

Công ty nhận định vào thời điểm xảy ra tổn thất, người điều khiển xe đã không xuất trình được GPLX hợp lệ. Điều này là vi phạm nhiều quy định liên quan. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 20 Quyết định số 54/2007 của bộ trưởng Bộ GTVT, GPLX phải được mang theo người khi lái xe. Theo quy định tại Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính, nếu lái xe không có GPLX hợp lệ thì bị loại trừ bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của Tổng Công ty Bảo hiểm B. cũng loại trừ bảo hiểm trong trường hợp “tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có GPLX hợp lệ”. Ngoài ra, Công văn 1644/2009 của Cục Đường bộ VN có nêu “không có bất cứ giấy tờ nào có thể thay thế GPLX khi lái xe”.

Ông H. đã không đồng ý với các ý kiến nêu trên của công ty bởi lẽ sự thật thì tài xế có GPLX hợp lệ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế chỉ bị tạm giữ GPLX để CSGT giải quyết việc vi phạm giao thông chứ không phải không có GPLX hay bị tước GPLX.

Trên thực tế, những trường hợp như của tài xế T. vẫn thường xuyên xảy ra. Sau khi bị tạm giữ GPLX, nhiều người vẫn tiếp tục lái xe và nếu bị CSGT tuýt còi thì họ trưng ra biên bản tạm giữ GPLX để thay thế. Đa số CSGT chấp nhận sự thay thế này và đã không xử phạt người lái xe hành vi “không có GPLX”. Chính vì lẽ đó mà nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia pháp luật, đã có hai luồng ý kiến khác nhau về trường hợp của ông H. Bên cho rằng phía ông H. đúng, công ty bảo hiểm sai; bên cho rằng phía ông H. sai, công ty bảo hiểm đúng. Vậy theo bạn đọc thì ai đúng, ai sai?

Vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Theo điểm b khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 2 Điều 40 Thông tư số 07/2009 của Bộ Giao thông vận tải, người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo người GPLX phù hợp với hạng xe. Điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 34/2010 của Chính phủ có quy định phạt tiền từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mang theo GPLX… Vì vậy, khi người lái xe bị cơ quan thẩm quyền tạm giữ GPLX nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong tình trạng không có GPLX là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Ông NGUYỄN VĂN QUYẾN, Phó Tổng cục trưởng 
Tổng cục Đường bộ VN

(Theo Công văn số 4629 ngày 28-11-2011 
của Tổng cục Đường bộ VN)

Được tiếp tục chạy

Theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 8 Nghị định 34/2012 của Chính phủ thì hành vi vi phạm để người ngồi trên buồng lái quá số người quy định không bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung (như tước GPLX). Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung), trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Do không thuộc trường hợp này nên trong thời gian bị tạm giữ GPLX, tài xế T. vẫn được điều khiển phương tiện.

Trung tá ĐẶNG VĂN NAM, 
Phó Trưởng Công an huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi

(Theo nội dung xác nhận ngày 4-11-2011 
vào tờ tường trình của tài xế T.)

ÁI NHÂN - phapluattp.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet