Tin tức
Quyết đưa “thù cũ“ vào tù, bị hại cùng lĩnh án
(19/06/2012)

Xô xát vì 'thù cũ", bị hại quyết  yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với người đã "xuống tay" với mình, ai dè sau khi trưng cầu giám định, bị hại đủ yếu tố cấu thành tội phạm và trở thành...bị can. Cả hai cùng lĩnh án chỉ vì nhận thức pháp luật non yếu, ngỡ chuyện tố nhau ra công an như chuyện...đùa.


Hình minh họa

Xô xát vì thù cũ

Khoảng 21h30 ngày 16/5/2011, sau khi nhậu xong, Phạm Văn Trường (SN 1988, ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cùng 3 người bạn là Lê Trọng Nghĩa, Phạm Quy Cường và Trương Thanh Liêm đi đến một quán cà phê ở thị trấn Ngã Sáu uống nước. Ngồi một lúc thì cả nhóm ra về nhưng khi ra đến cửa quán thì Trường nhìn thấy Trương Hồng Hào (SN 1988, ngụ cùng ấp với Trường) và Trần Quang Tuyến đi vào quán cà phê ở kế bên. Do có mâu thuẫn từ trước nên Trường và Hào cự cãi qua lại với nhau.

Sau đó, mặc dù Hào bỏ vào quán ngồi uống nước cùng bạn nhưng Trường cũng đi theo nên hai bên tiếp tục cự cãi với nhau. Bực mình, Hào cầm cái ly thủy tinh uống nước không có quai bằng tay phải đánh vào phía sau đầu của Trường một cái làm Trường chảy máu đầu, Trường bỏ chạy ra ngoài.

Thấy bạn bị đánh, Cường, Nghĩa và Liêm đi vào chỗ Hào “hỏi chuyện” thì Hào tiếp tục dùng cái ly khác ném trúng vào đầu của Cường làm cái ly bị bể nhưng do Cường có đội mũ bảo hiểm nên không bị thương tích.

Cường nhào tới vật Hào xuống đất và đánh Hào bằng chân tay không, sau đó buông Hào ra. Khi Hào vừa đứng dậy được thì Trường từ ngoài cửa quán chạy vào trên tay cầm 1 viên gạch ống có dính xi măng ném trúng vào trán Hào một cái rồi Trường bỏ chạy về nhà. Hào bị bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường cũng đến Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành điều trị vết thương.

Ngày 31/5/2010, Trương Hồng Hào đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Văn Trường và yêu cầu Trường phải bồi thường tiền thuốc men điều trị theo toa vé số tiền là 16,1 triệu đồng.

Để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chính xác, cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của cả Trường và Hào. Ngày 6/10/2010, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hậu Giang đã có hai bản luận giám định theo đó tỷ lệ thương tích của Trương Hồng Hào là 31%, tỷ lệ thương tích của Phạm Văn Trường là 4%.

Sau khi có kết quả giám định, ngày 23/12/2010 Trường cũng có đơn yêu cầu khởi tố đối với Trương Hồng Hào và đồng thời cũng yêu cầu Hào phải bồi thường tiền thuốc điều trị theo toa vé với số tiền là gần 1,4 triệu đồng.

Một hay hai vụ án - còn nhiều tranh cãi

Đầu tháng 2/2011, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trường về tội “Cố ý gây thương tích”. Riêng đối với Hào, cơ quan điều tra xác định Hào cũng có dấu hiệu phạm tội này. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa khởi tố Hào vì đang lúng túng, không biết nên nhập hành vi ném gạch của Hào vào chung một vụ án với Trường để xử lý hay tách ra thành một vụ án độc lập khác vì có hai luồng quan điểm khác nhau.

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong pháp luật hình sự hiện hành của chúng ta không có quy định nào cấm một người tham gia tố tụng vừa với tư cách là bị can vừa có tư cách là người bị hại trong cùng một vụ án. Hơn nữa, trong vụ án này chỉ có Hào và Trường gây thương tích cho nhau chứ không phải có nhiều người gây thương tích cho Hào hoặc nhiều người gây thương tích cho Trường.

Do đó, nếu xử chung trong cùng một vụ án thì cũng chẳng sao thậm chí còn giúp Tòa dễ dàng xem xét, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị can để có quyết định chính xác nhất. Còn nếu tách riêng thành hai vụ án độc lập thì tòa sẽ rất khó xác định chính xác lỗi để làm căn cứ khi quyết định hình phạt... Đồng tình với quan điểm này, Kiểm sát viên Lương Văn Tiến (tỉnh Hậu Giang) cho rằng: Hoàn toàn có thể xử lý trong cùng một vụ án.

Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai cho rằng: Tuy cùng một sự việc là hai bên bị gây thương tích và gây thương tích bởi cùng một người nhưng họ đều có đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên phải tách ra làm hai vụ án riêng. Tuy pháp luật hình sự không cấm là trong một vụ án bị cáo không được đồng thời là người bị hại nhưng nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự là “Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được làm những gì mà pháp luật có quy định”, trong trường hợp này luật chưa có quy định nên không được tiến hành.

Nếu một người tham gia tố tụng trong một vụ án với hai tư cách đối lập nhau thì sẽ khó tránh khỏi sự lộn xộn, chồng chéo trong quá xét hỏi, thẩm vấn, tranh tụng... từ đó dẫn đến quyền, lợi ích của họ có thể không được bảo đảm.

Tuy nhiên, cuối cùng các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Châu Thành vẫn thống nhất nhập vụ án “hai trong một” để tiếp tục qiải quyết.

Cùng lãnh án

Ngày 30/8/2011, TAND huyện Châu Thành đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tòa nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khoẻ của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo Hào đã sử dụng chiếc ly thuỷ tinh, còn bị cáo Trường đã sử dụng viên gạch ống đều là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người bị hại nên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trường 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 BLHS, buộc phải bồi thường cho bị cáo Hào số tiền hơn 22,8 triệu đồng.

Do mức độ, hậu quả gây ra thấp hơn nên Tòa đã tuyên phạt bị cáo Hào 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a Khoản 1 Điều 104 BLHS, buộc bị cáo Hào phải bồi thường cho bị cáo Trường số tiền hơn 4,4 triệu đồng.

Vậy là chỉ vì một phút không kìm chế được bản thân mà cả hai cùng kéo nhau vào vòng lao lý.

Thanh Tâm - phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet