Tin tức
Nhập án hành chính vào án dân sự, được không?
(17/07/2012)

Khi giải quyết án dân sự, nếu đương sự yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì tòa xem xét ngay trong cùng vụ hay tách ra thành một vụ án hành chính độc lập? Tình huống này đã gây nhiều tranh cãi...

Bà VTHO, ngụ phường An Phú, thị xã An Khê (Gia Lai), vừa gửi đơn đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm một quyết định của TAND tỉnh Gia Lai vì lo ngại rằng phía bị đơn sẽ có điều kiện tẩu tán di sản.

Đại diện con kiện đòi chia di sản

Trước đây, cuối tháng 4-2010, bà O. đã đồng ý cho vợ chồng bà T. nhận đứa con gái ruột mới hơn sáu tuổi của bà làm con nuôi. UBND phường An Phú đã ra quyết định công nhận việc thỏa thuận cho và nhận nuôi con nuôi này, đồng thời làm khai sinh mới cho bé cùng ngày.

Hơn hai tháng sau, bất ngờ chồng bà T. bị đột quỵ chết, không để lại di chúc. Lúc này bà O., với tư cách là người đại diện hợp pháp cho con, đã khởi kiện đòi chia phần di sản mà chồng bà T. để lại, được TAND thị xã An Khê thụ lý.

Tòa đang giải quyết, chưa đưa ra xét xử thì mới đây, bà T. đã nộp đơn đến chính tòa này yêu cầu hủy quyết định công nhận việc nuôi con nuôi và cũng được tòa thụ lý. Sau đó, tòa tạm đình chỉ vụ tranh chấp tài sản thừa kế để chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính.

Không đồng ý, bà O. kháng cáo cho rằng từ khi TAND thị xã An Khê tạm đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp di sản, phía bị đơn là bà T. đã tranh thủ tẩu tán tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của con gái bà.

Ngày 28-6 vừa qua, TAND tỉnh Gia Lai đã bác kháng cáo của bà O. Theo tòa, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi là quyết định cá biệt (nhằm vào đối tượng cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể, áp dụng một lần, không chứa các quy phạm pháp luật chung - NV). Quyết định này đã bị kiện ra tòa và tòa đã thụ lý bằng một vụ án hành chính. Vì vậy phải tạm đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp di sản để chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính.

Có nên nhập chung một vụ?

Ở đây chúng tôi không bàn đến khía cạnh quan hệ xã hội, đạo đức, tình cảm, thắng thua... trong vụ việc. Điều chúng tôi muốn đề cập về mặt pháp lý là đã có nhiều ý kiến rất khác nhau, chưa ngã ngũ xung quanh việc tòa thụ lý vụ án hành chính rồi tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự.

Theo luật sư Tống Đức Ngũ (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai), Điều 32a Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ rằng khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà tòa có nhiệm vụ giải quyết. Đối chiếu với trường hợp trên, tòa hoàn toàn có quyền xem xét, giải quyết yêu cầu hủy quyết định công nhận việc nuôi con nuôi ngay trong cùng vụ tranh chấp di sản chứ không cần phải tách ra thành một vụ án hành chính độc lập.

Ngược lại, luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng chỉ có thể gộp chung hai vụ để giải quyết chung khi tình tiết, nội dung đã rõ ràng và việc gộp chung không đan xen quyền lợi lẫn nhau. Trong trường hợp này, tòa thụ lý vụ án hành chính rồi tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự là đúng. Bởi lẽ kết quả giải quyết yêu cầu hủy quyết định nuôi con nuôi sẽ quyết định kết quả giải quyết vụ tranh chấp di sản. Nếu quyết định nuôi con nuôi được công nhận hợp pháp thì đương nhiên cháu bé con bà O. sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của mình theo quy định. Ngược lại, nếu quyết định nuôi con nuôi không được công nhận thì tư cách con nuôi của cháu bé không còn, tức cháu sẽ không phải là người thừa kế di sản của chồng bà T.

Thẩm quyền của tòa đối với quyết định cá biệt

1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.

2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 điều này thì quyết định cá biệt đó được tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính.

3. TAND Tối cao chủ trì phối hợp với VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành điều này.

(Theo Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự)

Quy định mới bổ sung, cần hướng dẫn

Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đều có quy định về việc nhập vụ án nhưng đó là việc nhập hai hay nhiều vụ án dân sự lại với nhau, hai hay nhiều vụ án hành chính lại với nhau chứ chưa có quy định “trộn” án hành chính vào án dân sự để giải quyết chung.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 đã có quy định cho phép tòa được xem xét giải quyết yêu cầu hủy “quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật” trong cùng vụ việc dân sự. Vấn đề là quy định này mới được nhà làm luật bổ sung, chưa có hướng dẫn cụ thể nên các tòa có thể hiểu sao thì hiểu.

Quay lại vụ việc cụ thể nêu trong bài báo, khi bà T. yêu cầu hủy quyết định nuôi con nuôi thì lẽ ra tòa nên xem xét giải quyết ngay trong cùng vụ tranh chấp di sản vì vấn đề nuôi con nuôi quyết định đến vấn đề thừa kế tài sản. Hơn nữa, xem xét trong cùng một vụ án thì các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách toàn diện. Chưa kể, hai vụ án được thụ lý riêng sẽ tốn gấp đôi thời gian, công sức, tài chính của tòa và các bên đương sự so với việc giải quyết chung trong một vụ án.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, Trường ĐH Luật TP.HCM

PHƯƠNG LOAN - phapluattp.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet