Tin tức
Luật sư “tố” tòa bỏ qua chứng cứ mới
(15/10/2012)

Thực tiễn xử án dân sự gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp luật sư khiếu nại về công tác xét xử của thẩm phán. Mới đây nhất lại thêm một luật sư bức xúc, khiếu nại khá quyết liệt...

Ngày 5-10, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã gửi đơn đến chánh án TAND TP.HCM khiếu nại về một phiên tòa phúc thẩm mà ông là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự.

Không ghi nhận chứng cứ mới?

Trong đơn, luật sư Phong trình bày rằng ông là luật sư của bà KTN, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được TAND TP.HCM xử phúc thẩm sáng 4-10.

Theo luật sư Phong, trước ngày xử, bà N. đã nộp bổ sung cho tòa tám chứng cứ, tài liệu mới. Tuy nhiên, trong phần thủ tục, thẩm phán chủ tọa phiên tòa không hề đề cập đến chuyện này. Sau đó, khi trình bày kháng cáo, ông nhắc là thân chủ có nộp bổ sung tám chứng cứ mới, đề nghị tòa xem xét nhưng hội đồng xét xử im lặng không phản ứng.

Cũng theo luật sư Phong, trong phần xét hỏi, chủ tọa liên tục hỏi theo kiểu dồn ép, mang tính áp đặt và bắt bẻ với thân chủ của ông. Hai thẩm phán cánh gà thì không tham gia xét hỏi, thái độ bàng quan. Khi ông hỏi các đương sự những tình tiết liên quan đến chứng cứ mới, đề nghị tòa thẩm định, công bố băng ghi âm, tin nhắn... để tiện đối chiếu thì tòa không chấp nhận. Khi ông yêu cầu thư ký phiên tòa lưu ý về một tình tiết mới trong biên bản phiên tòa thì một thẩm phán cánh gà nạt: “Anh cứ hỏi, còn việc ghi biên bản là của thư ký”.

Ngoài ra, nhiều câu hỏi của ông bị các thẩm phán ngăn cản, cắt, hướng dẫn đương sự là có quyền không trả lời. Trong lúc ông phát biểu, một thẩm phán hai lần bỏ ra ngoài nghe điện thoại. Có lúc hai thẩm phán nói chuyện riêng, thái độ dửng dưng không để lọt tai trình bày của ông...

Cuối cùng, sau khi các bên trong vụ án đã trình bày xong, chủ tọa thay vì nói rõ có chấp nhận những chứng cứ mới mà thân chủ của ông nộp hay không thì lại tuyên bố vào nghị án. Sau vài phút, chủ tọa ra tuyên giữ nguyên án sơ thẩm mà không hề đề cập đến các chứng cứ mới, không nêu lý do chấp nhận hay bác bỏ...

Trong phần ghi nhận ý kiến của ông, thay vì liệt kê hoặc liệt kê không đầy đủ thì chủ tọa đọc trong bản án rằng “luật sư nói nhiều ý “vân vân và vân vân””. Việc tòa ghi nhận như thế sẽ khiến không ai biết ông trình bày những gì, dù trước đó ông đã nộp bài phát biểu bảo vệ gồm 10 trang, liệt kê hơn 14 nội dung...

Bức xúc, ngay sau khi tòa tuyên án, luật sư Phong đã làm đơn đề nghị được xem, ghi bổ sung ý kiến vào biên bản phiên tòa phúc thẩm. Hôm sau (5-10), ông đã làm đơn đề nghị được sao chụp biên bản phiên tòa phúc thẩm cùng đơn khiếu nại, tố cáo những hành vi của hội đồng xét xử mà theo ông là trái pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP, cho biết hiện ông đã nhận được đơn khiếu nại của luật sư Phong và đang tiến hành xác minh, giải quyết theo đúng quy định.

Không phải là cá biệt

Thực tiễn xử án dân sự vài năm trở lại đây đã ghi nhận khá nhiều trường hợp luật sư, đương sự khiếu nại về công tác xét xử của tòa. Tại nhiều hội thảo, giới luật sư vẫn thường kêu ca về chuyện tòa bỏ qua chứng cứ mới, “làm lơ” quan điểm, lập luận, có hành vi cản trở luật sư khi xét hỏi... Thậm chí, vì chuyện này mà đầu năm 2010, một luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM từng phải gửi đơn nhờ Liên đoàn Luật sư Việt Nam can thiệp.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) kể trước khi có thông tư liên tịch hướng dẫn về việc phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, ông từng tham gia phiên phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản chung giữa hai vợ chồng tại TAND tỉnh Hậu Giang. Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát biểu cả về phần nội dung vụ án nên ông cho rằng trong trường hợp này kiểm sát viên đã “dài tay”. Chủ tọa lập tức “lệnh” cho ông không được phát biểu nữa. Ông phản đối rằng chủ tọa toàn quyền điều hành phiên tòa nhưng phải theo quy định của pháp luật. Thế là chủ tọa yêu cầu... cảnh sát đến đưa ông ra khỏi phòng xử. Bức xúc, sau đó ông đã có văn bản khiếu nại đến chánh án TAND tỉnh này nhưng không được trả lời.

Luật sư Bùi Thị Xuân Như (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho biết bà từng bảo vệ một đương sự trong một phiên xử tranh chấp nhà của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Khi bà mới đứng lên, chưa kịp có ý kiến trình bày gì thì đã bị một thẩm phán cánh gà gạt ngang, không cho nói. Bà phản đối, yêu cầu thư ký phiên tòa ghi nhận sự việc vào biên bản. Không biết có việc ghi nhận vào biên bản phiên tòa hay không nhưng sau đó phiên xử này bị hoãn, đến khi mở lại thì thẩm phán cánh gà hôm trước đã được đổi thành một vị khác...

Sẽ kiến nghị ghi âm, ghi hình phiên tòa

Theo luật sư Trần Hồng Phong, trong khi chờ kết quả giải quyết khiếu nại của chánh án TAND TP.HCM, tuần này ông sẽ gửi đơn thư kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc nên gắn hệ thống camera ở các phòng xử. Ông cho rằng tòa là nơi giải quyết các tranh chấp, nên chăng cần có hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ để ghi lại toàn bộ diễn biến phiên xử. Băng ghi âm, ghi hình là tài sản của tòa, do tòa quản lý, không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Trong trường hợp người tham gia tố tụng có bức xúc, khiếu nại thì tòa có thể dựa trên băng ghi âm, ghi hình để xem xét thấu đáo.

Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia và nhận được các ý kiến rất khác nhau. Chúng tôi sẽ phản ánh trên số báo sau, xin mời bạn đọc theo dõi.

Ý luật sư một đằng, tòa ghi nhận một nẻo

Trước đây, Văn phòng luật sư Cao Minh Triết từng có văn bản kiến nghị chánh án TAND TP Mỹ Tho đính chính bản án vì ghi sai lời bào chữa của luật sư. Số là văn phòng này cử hai luật sư bào chữa cho hai bị cáo bị truy tố về các tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ. Tại phiên sơ thẩm của TAND TP Mỹ Tho, hai luật sư thể hiện rất rõ quan điểm là đề nghị tòa tuyên hai bị cáo không phạm tội hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Không hiểu sao chủ tọa ra tuyên án lại tuyên bố: “Hai luật sư không nêu rõ bị cáo có tội hay không có tội...” và “Xét khi bào chữa, hai luật sư phải thể hiện rõ quan điểm chứ không được nói chung chung”...

Ngay sau phiên xử, một luật sư tìm gặp chủ tọa thắc mắc thì chủ tọa cười xòa, xua tay nói xử xong rồi, không bàn gì nữa. Ba ngày sau, luật sư nhờ thư ký phiên tòa cho xem lại biên bản phiên tòa viết tay thì thấy các nội dung bào chữa của mình và đồng nghiệp đều được ghi khá đầy đủ. Bất ngờ hơn, đến khi tòa giao bản án, phần tuyên đọc của chủ tọa về ý kiến luật sư đã... biến mất.

HOÀNG YẾN – phapluattp.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet