Tin tức
Án tham nhũng: Giơ cao, đánh khẽ: Do nhận thức hay nhận... tiền?
(06/11/2012)

Ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chỉ rõ các mánh khóe khiến án tham nhũng “đầu khủng long, đuôi thạch sùng”.

. PV: Chủ thể tội phạm tham nhũng thường là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên được tòa xem xét giảm án, cho hưởng án treo. Theo ông, có cần quy định tội phạm tham nhũng không được cho hưởng án treo để bảo đảm tính răn đe?

+ Ông Lê Văn Lân: Hiện nay luật hình sự không phân biệt, khi có hai tình tiết giảm nhẹ thì tòa quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Theo tôi, TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn không cho đối tượng phạm tội tham nhũng hưởng án treo. Ngoài ra, trong quá trình thi hành án phạt tù, phạm nhân tội tham nhũng cũng không được xét đặc xá.

Từ ăn hối lộ biến thành vay nợ

. Trên thực tế có nhiều vụ ban đầu khởi tố tội tham ô, nhận hối lộ nhưng sau đó lại chuyển qua tội danh khác nhẹ hơn với lý do không thống nhất trong việc định tội danh. Tại sao vậy?

+ Đúng là có tình trạng này. Điển hình là vụ ông Nguyễn Đình Thản, Giám đốc Công ty Vinaconex 10 - Đà Nẵng. Năm 2007, ông Thản nhận hối lộ 200 triệu đồng của một DN và bị bắt quả tang khi nhận tiền, có cả phong bì đựng số tiền đó và có biên bản hẳn hoi. Cả bên đưa tiền lẫn ông Thản đều nhận hết. Thế nhưng quá trình điều tra thì “mất phong bì” và tìm cái khác để thay vào đó. Khi được tại ngoại thì ông Thản lật lại, thay đổi lời khai, cãi bay đó là tiền vay, tiền nợ chứ không phải tiền hối lộ. Cuối cùng ông Thản chỉ bị truy tố, xét xử ở tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Một vụ đình đám hơn là vụ ông Đoàn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, bị công an bắt quả tang khi nhận hối lộ 1 tỉ đồng ngay giữa ban ngày tại thủ đô Hà Nội. Việc bắt quả tang được công an ghi hình, báo chí đăng công khai. Thế nhưng sau đó chính cơ quan điều tra lại chuyển tội danh và tòa án đã xử ông Dũng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn với mức án 15 năm tù. Nếu ông Dũng bị truy tố, xét xử tội nhận hối lộ, theo BLHS nhận hối lộ trên 500 triệu đồng thì có thể nhận mức án tử hình rồi.

Ở nhóm tội phạm tham nhũng, luật chưa rõ ràng nên có việc chuyển đổi tội danh từ tội có mức án cao sang mức án thấp. Nhưng không ít vụ dư luận bức xúc đặt dấu hỏi do nhận thức hay nhận tiền?! Ở các nước, nhóm tội tham nhũng chỉ có hai loại tội là nhận hối lộ và tham ô, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ là cách thức để lấy được tiền thôi.

Đoàn Tiến Dũng cùng thuộc cấp tại phiên tòa ngày 29-5. Ảnh: Minh Long

Càng để lâu càng teo tóp

. Các vụ án tham nhũng thường kéo dài so với các vụ án khác cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc án tham nhũng càng để lâu càng teo tóp, thưa ông?

+ Theo luật tố tụng hình sự (TTHS), thời gian điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng không khác gì các vụ án khác. Ở Việt Nam, các án thường càng để lâu thì càng mở rộng, còn án tham nhũng thì ngược lại, càng để lâu càng teo lại.

Theo tôi, án tham nhũng phải có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Ở Thái Lan, người ta quy định án tham nhũng chỉ điều tra trong vòng 140 ngày để cho không kịp chạy chọt, các thế lực muốn can thiệp cũng không được. Ở Trung Quốc thì họ có biện pháp cách ly các đối tượng tham nhũng. Khi phát hiện anh có dấu hiệu tham nhũng, tôi mời anh ra khách sạn năm sao nhưng không cho sử dụng điện thoại, không cho gặp gỡ ai, niêm phong tất cả tài liệu để anh không thể xóa dấu vết, chứng từ. Biện pháp cách ly này, trước trung ương tôi cũng đã có đề xuất rồi.

. Trong vụ án tham nhũng mà các đối tượng vi phạm giữ chức vụ cao thì cơ quan điều tra thường gửi văn bản báo cáo cấp ủy xin ý kiến. Có người cho rằng đây là thời gian vàng để nghi can xóa dấu vết phạm tội. Ông nghĩ thế nào?

+ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nhấn mạnh đối với tội phạm tham nhũng thì không cần xin ý kiến cấp ủy, trừ cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý. Nhưng trên thực tế có câu chuyện là chính cơ quan chức năng lại muốn báo cáo cấp ủy. Báo cáo để làm gì? Ngoài việc để thận trọng thì còn có việc muốn tha cho đối tượng tham nhũng nên khi báo cáo cấp ủy chỉ toàn báo cáo tình tiết nhẹ. Mai kia có ai hỏi thì họ lại bảo chính cấp ủy đồng ý tha, có văn bản hẳn hoi.

Công khai để bắt những vụ “đánh võng”

. Nguyên tắc độc lập xét xử được quy định cụ thể trong luật nhưng thực tế trong các vụ án tham nhũng, thẩm phán xét xử bị chi phối ở nhiều việc khác, thưa ông?

+ Hiện nay hai vấn đề thiết yếu là cán bộ và ngân sách thì tòa phải lệ thuộc cơ quan khác. Bản thân chánh án tòa án tỉnh là tỉnh ủy viên, việc bổ nhiệm lại phải có ý kiến của thường vụ tỉnh ủy. Ngân sách để hoạt động, tòa án tỉnh phải xin UBND tỉnh. Như vậy thì khó độc lập được. Theo tôi, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật để tòa án độc lập trên thực tế nhằm giảm thiểu can thiệp trái pháp luật, nhất là khi xử các quan tham.

. Ngoài những giải pháp trên, theo ông để ngăn chặn tình trạng án tham nhũng “đầu voi, đuôi chuột” thì cần phải làm gì?

+ Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành nói là công khai, minh bạch công tác tư pháp. Công tác thanh tra, kiểm toán phải công khai. Thế nhưng ngay cả kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi lấy còn khó khăn.

Theo tôi, phải công khai các quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng. Đặc biệt, phải công khai các lần VKS, tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, lý do trả hồ sơ. Khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra bổ sung chuyển sang VKS cũng phải công khai. Chính từ việc công khai này, người dân và các cơ quan chức năng mới có thể phát hiện anh nào “đánh võng” (chạy án, chạy tội, chạy tù - PV), anh nào trả hồ sơ điều tra đúng luật, anh nào làm bậy. Việc công khai này không trái với luật TTHS, luật hình sự nhưng tiếc rằng các cơ quan tố tụng chưa thực hiện đầy đủ.

. Xin cảm ơn ông.

TAND Tối cao cần hướng dẫn đường lối xét xử

Các tình tiết giảm nhẹ, cho hưởng án treo quy định cho tất cả tội phạm trong luật hình sự. Tuy nhiên, muốn hạn chế việc áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ hình phạt, xử án treo tội phạm tham nhũng thì không cần phải sửa luật mà chỉ cần thay đổi việc áp dụng pháp luật. Đây là vấn đề áp dụng pháp luật, tòa án có áp dụng án treo cho các đối tượng phạm tội trong nhóm tội tham nhũng hay không? Theo tôi, TAND Tối cao cần có hướng dẫn đường lối xét xử với nhóm tội phạm tham nhũng và xác định cụ thể dấu hiệu tội danh trong nhóm tội này để hạn chế án treo và mâu thuẫn trong xác định tội danh.

TS luật ĐÀO LÊ THU, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội

TRUNG DUNG thực hiện

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet