Tin tức
Chống tham nhũng: Pháp luật còn “hiền” quá!
(26/10/2012)

Những biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, công khai minh bạch… đều thiếu cơ chế thực thi.

Hôm nay 26-10, QH nghe tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi và thảo luận về công tác PCTN năm 2012. Để trả lời câu hỏi: Vì sao PCTN chưa đạt yêu cầu, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Ngọc, đại diện Nhóm tư vấn độc lập cho Cơ quan Phát triển LHQ và Bộ Phát triển Anh. Nhóm tư vấn này vừa báo cáo kết quả nghiên cứu “Phân tích pháp luật PCTN: Những bài học kinh nghiệm về cơ chế thực thi và xử phạt” tại một hội thảo do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây.

. Phóng viên: Thưa ông, một cách khái quát, những bất cập, hạn chế của Luật PCTN hiện hành được nghiên cứu chỉ ra là gì?

 

+ Ông Nguyễn Quang Ngọc: Luật PCTN chỉ là một phần của nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến PCTN, như BLHS, BLTTHS, Luật Cán bộ, công chức… Với Luật PCTN hiện hành, hạn chế được chỉ ra khi so sánh với các luật khác, ví dụ: Văn bản này nêu 12 hành vi tham nhũng, trong khi chương tội phạm về tham nhũng trong BLHS chỉ có bảy tội danh. Có thể, các hành vi tham nhũng còn lại được cho là tương ứng với điều khoản ở chương khác trong BLHS nhưng điều đó cho thấy độ vênh nhau về chính sách hình sự với các hành vi tham nhũng.

Đáng chú ý, Luật PCTN chủ yếu mang tính phòng ngừa, với các quy định nguyên tắc. Những biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, công khai minh bạch… đều thiếu cơ chế thực thi. Đọc luật thì thấy không thực hiện các phòng ngừa này cũng chẳng bị chế tài gì cả. Chế tài nếu có lại được dẫn chiếu tới các luật khác, mà cho đến nay sau hơn năm năm thực hiện, ít thấy báo cáo thực thi.

Người dân đang theo dõi qua màn hình một vụ xét xử tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Sửa như vậy vẫn là chưa đủ

. Vậy đối chiếu với dự thảo Luật PCTN sửa đổi, những hạn chế nêu trên có được khắc phục?

+ Về cơ bản, dự thảo sửa đổi vẫn theo tinh thần phòng ngừa là chính. Một số điều khoản có điều chỉnh để ràng buộc chặt chẽ hơn nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa đủ.

Chẳng hạn, dự luật quy định chi tiết hơn về kê khai tài sản; buộc phải công khai bản kê khai tài sản tại nơi công tác, thậm chí có đề xuất phải công khai cả ở nơi cư trú - dù chưa được chấp thuận đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, chưa có giải pháp cụ thể cho những vấn đề như giám sát việc thực hiện và kiểm tra độ tin cậy trong kê khai tài sản, hoặc xử phạt với người không trung thực...

. Dự luật sửa đổi nếu được thông qua thì các khiếm khuyết mà ông nêu sẽ lộ ra thế nào?

+ Cho đến nay chưa thấy động thái sửa đổi các luật khác liên quan đến PCTN. Các đơn vị trực tiếp đấu tranh với tham nhũng vẫn nằm rải rác ở các cơ quan, như Cục 4 thuộc Thanh tra Chính phủ; Cục 48 thuộc Tổng cục Điều tra tội phạm, Bộ Công an; Vụ Kiểm sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc VKSND Tối cao…

 

PCTN vẫn chỉ khoanh vùng trong khu vực công, trong khi theo thời gian, kinh tế tư nhân sẽ càng ngày càng chiếm tỉ trọng lớn. Chưa kể ngay bây giờ đã thấy tham nhũng đan xen rất lớn giữa công - tư và có yếu tố nước ngoài. Như vậy, giám đốc có hành vi như mô tả trong Luật PCTN nhưng doanh nghiệp ấy Nhà nước chỉ nắm 49% vốn thì giám đốc không thể bị xử lý như tội phạm tham nhũng; tài sản bị chiếm đoạt không bị coi là tài sản do tham nhũng mà có.

Có chuyên trách mới hiệu quả

. Trước đây từng có những đề xuất lập cơ quan chuyên trách về PCTN, theo kiểu ủy ban quốc gia với thẩm quyền rất lớn nhưng đã không được chấp nhận. Vậy cứ tiếp tục cơ chế hiện tại thông qua phối hợp giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố… thì sao?

+ Kinh nghiệm các nước từng có thời tham nhũng tràn lan thì rất cần một cơ quan chuyên trách như vậy. Chẳng hạn, ở Indonesia, cơ quan ấy có cả quyền điều tra, truy tố; Hong Kong thì không truy tố nhưng có thẩm quyền đặc biệt, được áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để điều tra tham nhũng.

Còn ở ta, giữa các cơ quan với nhau có quy chế phối hợp nhưng không có ràng buộc, chế tài chặt chẽ. Do đó không tránh khỏi việc thanh tra phát hiện sai phạm có dấu hiệu tham nhũng nhưng lãnh đạo cơ quan không muốn ảnh hưởng đến tập thể nên giữ lại xử lý nội bộ. Cơ chế ấy phần nào khiến việc xử lý tham nhũng bị cắt khúc. Điều tra, truy tố, xét xử bị kéo dài, đầu khủng long, đuôi thằn lằn…

Làm việc với chúng tôi, kiểm toán vẫn phàn nàn là có những vụ có dấu hiệu tham nhũng họ chuyển sang công an nhưng không thấy hồi âm. Rồi các cảnh báo gần đây về hiện tượng tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo nhiều hơn tội phạm khác, nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng được xử lý kỷ luật nội bộ… Tất cả đều cho thấy điều đó.

Điều tra đặc biệt để phát hiện tiền “bẩn”

. Từ nghiên cứu này, nhóm tư vấn kiến nghị gì?

+ Dự thảo Luật PCTN sửa đổi được trình kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII để thông qua nên khó có gì thay đổi. Nhưng chúng tôi cho rằng vẫn cần kiên trì hoàn thiện hệ thống xử phạt đơn giản, nghiêm minh và hiệu lực bằng cách sớm sửa đổi các luật liên quan. Cần mở rộng phạm vi PCTN tới khu vực tư và với hành vi hối lộ công chức nước ngoài. Tăng tính độc lập và tự chủ cho cơ quan trực tiếp chống tham nhũng nhằm giảm thiểu sự can thiệp từ bên ngoài.

Tham gia nghiên cứu với chúng tôi, các điều tra viên cao cấp của Bộ Công an cho rằng cần cho phép áp dụng các biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt trong thu thập chứng cứ. Có vậy mới lần được dòng tiền do tham nhũng mà có chạy giữa các tài khoản ngân hàng, mới truy nguyên được nguồn gốc những tài sản mà kẻ tham nhũng nhờ anh em, bà con thân thích đứng tên.

Nói tóm lại, quyết tâm chính trị và kiên định chưa đủ. Muốn ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng thì Việt Nam phải có hệ thống thiết chế và pháp luật có hiệu quả, bao gồm thực thi và xử phạt.

. Xin cảm ơn ông.

 

NGHĨA NHÂN - phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet