Tin tức
Đưa nhau ra tòa vì kiểu làm ăn “tin nhau là chính“
(12/07/2012)

Do việc mua bán của hai bên không rõ ràng, chỉ nói bằng miệng, nên đến khi xảy ra tranh chấp, một bảo mua xoài lá chưa hết thời điểm thu hoạch theo thỏa thuận, bên kia nói bán xoài trái đã hết kỳ thu hoạch. Tranh cãi mãi mà không đồng thuận được, họ đưa nhau ra tòa.

Hình chỉ mang tính chất minh họa

Kiện nhau vì làm ăn kiểu “tin nhau là chính”

Theo ông Bùi Thanh Ngọc (ngụ thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), khoảng tháng 2/2010 âm lịch giữa ông và ông Tô Kim Phụng (ngụ tổ dân phố Phú Hải, phường Cam Phú, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vì tin nhau nên có giao kết bằng miệng việc mua bán hoa lợi vườn xoài tại thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm với số tiền là 15 triệu đồng. Ông Ngọc được quyền chăm sóc thu hoạch xoài trong vườn của ông Phụng đến cuối tháng 10/2010 âm lịch.

Thời điểm giao kết, vườn xoài của ông Phụng ở giai đoạn xoài lá, chỉ có vài cành có hoa lác đác nên ông Ngọc đã phải bỏ công chăm sóc và đầu tư rất nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Thời gian đầu do cây suy kiệt, thời tiết nắng hạn nên chỉ có vài cây ra hoa vài cành và quả nhỏ nên ông chưa thu hồi được vốn. Ông tiếp tục đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc làm bầu bơm nước cho xoài, ông Phụng biết việc này nhưng ông không có ý kiến gì và vẫn để ông thực hiện công việc chăm sóc xoài.

Khoảng cuối tháng 4/2010 âm lịch khi xoài ra hoa, đậu quả nhiều thì ông Phụng ngăn cản, không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài trong khi thời hạn hợp đồng chưa kết thúc khiến ông Ngọc chưa được thu hoạch lứa trái nào để bù đắp chi phí đầu tư. Thế là hai bên xảy ra tranh chấp.

Sau đó, ông Ngọc làm đơn khởi kiện ông Phụng ra tòa đòi bồi thường 90.915.000 đồng bao gồm tiền mua hoa lợi xoài, tiền thuê người chăm sóc, tiền phân bón, thuốc trừ sâu mà ông đã đầu tư.

Ngược lại, ông Phụng cho rằng ông chỉ cho ông Ngọc thuê khoán vườn, thời hạn thuê từ tháng 2 đến tháng 6/2010 âm lịch. Hai bên thỏa thuận ông Ngọc chỉ được thu hoạch xoài đã có sẵn trên cây và xoài non. Sau khi thu hoạch xoài già có sẵn, ông Ngọc đã thiến cây, chặt cành, đào gốc chôn thuốc kích thích, làm cho xoài rộ quả hư cây xoài của ông và thời hạn thuê đã hết nên ông không đồng ý cho ông Ngọc thuê nữa. Ông Phụng cho rằng ông không vi phạm hợp đồng.

Hai cấp tòa, hai nhận định

Khi xét xử vụ kiện, TAND huyện Cam Lâm cho rằng hợp đồng tuy thỏa thuận miệng nhưng được hai bên thừa nhận và có người làm chứng, đã thực hiện trên thực tế nên về hình thức, nội dung, thời hiệu phù hợp với quy định của pháp luật.

Tòa nhận định việc ông Phụng không cho ông Ngọc chăm sóc, thu hoạch xoài là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không có cơ sở pháp luật, là hành vi có lỗi của ông Phụng, đã làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông Ngọc nên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngọc buộc ông Phụng phải bồi thường cho ông Ngọc tiền phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, tiền công bơm thuốc, tiền thuê người giữ vườn, tiền thuê người làm bầu, bơm nước, bón phân, tiền mua vườn xoài tổng cộng là 70.365.000 đồng. Tuy nhiên, ông Phụng và ông Ngọc vẫn không đồng ý tiếp tục kháng cáo lên phúc thẩm.

Ngày 10 và 11/7/ 2012, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm. Theo cấp phúc thẩm, giữa nguyên đơn và bị đơn giao kết hợp đồng với nhau bằng miệng, thời hạn thực hiện hợp đồng đến tháng 10 âm lịch, nhưng ngày 31/7/2010 ông Phụng đã lập “Hợp đồng thuê khoán tài sản (vườn xoài)” với người khác (tên là Lai và Lan) khi đang còn trong thời hạn hợp đồng của ông Ngọc với ông Phụng; đồng thời, 19 cây xoài ông Phụng cho ông Ngọc thuê khoán là tài sản chung của ông Phụng với vợ là bà Lưu Thị Hồng; khi ông Ngọc tranh chấp với ông Phụng, cấp sơ thẩm đều không đưa ông Lai, bà Lan và bà Hồng vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.

Ngoài ra, Tòa phúc thẩm xác định: Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa sơ thẩm xác định 19 cây xoài đang phát triển tốt, xanh tươi, không có dấu vết thiến khoanh cây. Nhưng Tòa phúc thẩm khi xem xét, thẩm định tại chỗ thì phát hiện 16 cây xoài có dấu vết băm, khoanh vỏ, cưa cành và dưới gốc khoanh bồn, cách gốc 1,5m để bón phân, tưới nước... Từ đó cho thấy biên bản thẩm định của cấp sơ thẩm chưa khách quan; đồng thời tại biên bản này không có sự tham gia của bị đơn, chỉ có nguyên đơn cùng Tòa và chính quyền địa phương.

Về việc dùng phân bón mà ông Ngọc đã sử dụng cho 19 cây xoài ở 13 hóa đơn ông cung cấp cho tòa. Theo công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa gửi Tòa cho biết số lượng phân bón, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, liều dùng và cách dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sở không thể đưa ra số lượng dùng cụ thể, xác định lượng dùng bao nhiêu là phù hợp. Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm chưa thu thập khuyến cáo của nhà sản xuất đối với các loại phân bón, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu bệnh theo các hóa đơn của nguyên đơn cung cấp là thiếu sót.

Mặt khác, 13 hóa đơn ông Ngọc cung cấp cũng không được cấp sơ thẩm xác minh chủ sở hữu doanh nghiệp này là ai, địa chỉ ở đâu... để xác định căn cứ hợp pháp của chứng cứ do nguyên đơn cung cấp khi giải quyết vụ án. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Ngọc đã thu hoạch xoài, lứa đầu được 3 triệu đồng, nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét để tính trừ số tiền này trong tổng số tiền chấp nhận buộc ông Phụng phải bồi thường cho ông Ngọc...

Từ những phân tích trên cho thấy việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ. Do đó, cấp phúc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Cam Lâm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vụ án hi hữu này.

Liên Thủy – phapluatvn.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet