Tin tức
Triệu tập người chết đến tòa
(18/03/2013)

Một người liên quan chết năm 2011 nhưng khi thụ lý án năm 2012, tòa vẫn ra thông báo triệu tập.

Ông T. tự mình ký hợp đồng đặt cọc với bà B. mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản của các đồng thừa kế là không đúng. Hợp đồng đặt cọc này phải được xem là vô hiệu.

Mấy năm trước, cha mẹ ông T. mất, để lại cho các anh chị em ông một lô đất cùng một căn nhà ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ông Tươi được các anh chị em lập tờ ưng thuận, cử làm đại diện đứng tên khối di sản nói trên.

Bị phạt cọc 2 tỉ đồng


Giữa năm 2011, ông T. quyết định chuyển nhượng cho bà B. một phần diện tích của lô đất. Hai bên thỏa thuận ông T. nhận cọc của bà B.1 tỉ đồng. Nếu hợp đồng đặt cọc không thực hiện được thì ông T. phải hoàn tiền cọc và chịu phạt 2 tỉ đồng. Còn nếu bà B. có lỗi không tiếp tục thực hiện giao dịch thì sẽ bị mất tiền cọc.

Sau đó, hai bên đã phát sinh mâu thuẫn nên bà B. yêu cầu ông T. trả lại tiền cọc và tiền phạt cọc là 3 tỉ đồng. Do ông T. không chấp nhận việc trả tiền phạt nên bà B. đã khởi kiện ra TAND huyện Bình Chánh.

 

Giữa năm 2012, tòa thụ lý, xác định các anh em ông T. là người liên quan trong vụ án và gửi thông báo triệu tập đến tòa. Điều khó hiểu là một người liên quan đã mất vào đầu năm 2011 nhưng tòa vẫn triệu tập. Dựa trên thông báo này, ngày 25-6-2012, văn phòng thừa phát lại tổ chức tống đạt. Tuy nhiên, thừa phát lại phải lập biên bản tống đạt không thành, biên bản niêm yết tại trụ sở công an phường và niêm yết thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập tham gia phiên tòa do không có ai đứng ra nhận...

Sau khi triệu tập không thành, ngày 26-12-2012, đưa vụ án ra xét xử, tòa lại chấp nhận yêu cầu của ông T. là không cần triệu tập người liên quan bởi trước đó, trong tờ ưng thuận, họ đã đồng ý cho ông toàn quyền quyết định khối tài sản trên. Sau đó, tòa đã tuyên phía ông T. thua kiện vì đã vi phạm hợp đồng đặt cọc…

Hợp đồng đặt cọc vô hiệu?

Quanh vụ án, nhiều chuyên gia pháp luật đã cho rằng phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm là chưa chính xác. Luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Lê Ngọc Cảnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, đối với di sản do người chết để lại, các đồng thừa kế phải tiến hành khai nhận di sản và đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu (đối với tài sản bắt buộc phải đăng ký). Trong vụ này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà được cấp cho các đồng thừa kế do ông T. đại diện đứng tên nên được xem là di sản chưa chia. Việc định đoạt tài sản này phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các đồng thừa kế.

Tờ ưng thuận của các anh em ông T. chỉ có giá trị để cơ quan nhà nước xác định người đại diện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào quyền sở hữu nhà. Do vậy, các anh em của ông T. vẫn là các đồng thừa kế đối với di sản trên. Việc tòa không triệu tập những người này tham gia phiên tòa là vi phạm tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Mặt khác, ông T. tự mình ký hợp đồng đặt cọc với bà B. mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản của các đồng thừa kế là không đúng. Hợp đồng đặt cọc này phải được xem là vô hiệu. Khi đó, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận...

Tòa triệu tập không đúng

Trong trường hợp người liên quan chết thì nghĩa vụ tham gia tố tụng của họ sẽ được người thừa kế của họ thực hiện. Như vậy, với vụ án trên, tòa phải tiến hành triệu tập người thừa kế của người đã chết tham gia tố tụng. Tòa triệu tập người đã chết là không đúng quy định.

Luật sư HUỲNH KIM NGA, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ - phapluattp.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet