Tin tức
“Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục bứt phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ“
(03/01/2013)

 

Năm 2012 là năm công tác tư pháp để lại nhiều dấu ấn đối với người dân nhờ những đóng góp thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi về một trong những điểm nhấn của ngành đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân, doanh nghiệp và về một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, nhân đầu năm mới.


Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Lễ kỷ niệm 67 năm ngày thành lập ngành Tư pháp

Năm 2012 được đánh giá là năm ngành Tư pháp gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực công tác, nhất là công tác xây dựng thể chế. Một trong những thành công đã trở thành sự kiện nổi bật của Ngành trong năm là đã giúp Chính phủ soạn thảo và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm mới nổi bật của Luật so với Pháp lệnh trước đây?

- Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời thể chế hóa một trong những chủ trương xuyên suốt trong nhiều Nghị quyết của Đảng về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, Quốc hội đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây.

Qua theo dõi tôi cũng nhận thấy rằng, việc ban hành Luật này và việc thi hành một phần Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật đã nhận được sự quan tâm to lớn của người dân và doanh nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tôi cho rằng, một trong những lý do cơ bản thu hút được sự quan tâm ấy chính là ở những điểm mới của Luật này so với các quy định hiện hành, những quy định tác động trực tiếp tới lợi ích thiết thân của người dân và doanh nghiệp.

Trước hết, thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nói cách khác là các biện pháp hạn chế quyền tự do của người dân, được chuyển từ Chủ tịch UBND sang Toà án nhân dân, từ thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp.

Đây là nội dung thay đổi rất lớn so với Pháp lệnh XLVPHC, phù hợp với định hướng dân chủ hoá đời sống xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua. Việc giao cho Toà án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa của họ được tham dự vào quá trình ra quyết định để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc của thân chủ, bảo đảm cho việc ra quyết định được khách quan, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Hai là, không đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Trước đây, với việc coi người bán dâm là “sản phẩm của chế độ cũ”, cần phải được cách ly khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo. Họ được đưa vào các cơ sở với tên gọi như “Trường phục hồi nhân phẩm” hoặc “Trung tâm phục hồi nhân phẩm”, sau này là cơ sở chữa bệnh, trong khi đó không phải ai bán dâm cũng có bệnh!. Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thực tế thời gian qua cho thấy việc áp dụng biện pháp này là không phù hợp và ít hiệu quả.

Vì vậy, Quốc hội đã quyết định bỏ biện pháp xử lý hành chính này, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do của công dân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là người bán dâm không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, song vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật và việc chữa bệnh vẫn được thực hiện, chỉ khác là người có bệnh mới phải chữa và trên cơ sở tự nguyện.

Ba là, quy định rất chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, như tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Mục đích của việc quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng các biện pháp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng các biện pháp có thể gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt, kinh doanh của họ.

Ví dụ để hạn đến mức tối đa việc lạm dụng biện pháp tạm giữ phương tiện như ô tô, xe máy, Điều 125 của Luật quy định rõ chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp sau: thứ nhất, để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;  thứ hai, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; thứ ba, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nhưng người vi phạm không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.

Bốn là, tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Luật có các quy định mới về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm và trách nhiệm của cơ quan tiến hành xử phạt phải xem xét ý kiến giải trình của người vi phạm, phải tiến hành xác minh hành vi, đối tượng vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt; tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có cơ hội để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình hoặc nhờ người đại diện/luật sư trợ giúp.

Năm là, bổ sung quy định mới bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Luật dành Phần thứ năm quy định về các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù chỉ đạo toàn bộ hoạt động xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như: xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên...

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định 2 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là nhắc nhở và quản lý tại gia đình. Các biện pháp này mang tính xã hội để quản lý đối tượng tại gia đình và cộng đồng, người bị áp dụng các biện pháp này không bị coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

- Thưa Bộ trưởng, với tư cách là cơ quan được giao giúp Chính phủ trong việc thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xin Bộ trưởng cho biết ngành Tư pháp đã và sẽ làm gì để Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả?

- Như chúng ta đã biết, cho đến nay việc theo dõi, kiểm tra hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, công tác báo cáo, thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu… về xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật quy định và cũng chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm làm đầu mối thống nhất quản lý công tác này, mặc dù đây là việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng, áp dụng chế tài hành chính và kể cả chế tài hình sự.

Thực tiễn cho thấy, việc “bỏ trống” đầu mối thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã gây không ít khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thi hành và hoàn thiện pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi hành Bộ luật Hình sự.

Để khắc phục bất cập này, Luật đã giao Chính phủ quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước, đồng thời xác định rõ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác này. Tôi cho rằng, đây là trọng trách rất lớn đối Chính phủ nói chung và đối với ngành Tư pháp nói riêng.

Để thực hiện trọng trách được giao, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã và sẽ phải làm nhiều việc và có thể xếp chúng thành 3 nhóm việc lớn là: quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Về hướng dẫn thi hành Luật, vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật XLVPHC. Theo đó, từ hơn 120 nghị định theo đề xuất của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rút xuống còn 56 nghị định sẽ được ban hành để quy định chi tiết thi hành. Việc giảm số lượng lớn các nghị định sẽ góp phần kiểm soát tình hành ban hành văn bản; đảm bảo tính đơn giản, gọn nhẹ, minh bạch hơn, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định.

Qua đó, tạo điều kiện cho người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật, các công chức thực thi nhiệm vụ được thuận lợi.

Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật trong quý I và đầu quý II năm 2013.

Thời gian từ nay đến khi Luật có hiệu lực không nhiều, trong khi số lượng nghị định phải ban hành tương đối lớn, hơn nữa đây là những nghị định có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nên Bộ Tư pháp đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để theo dõi, đôn đốc, tham gia ý kiến với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình xây dựng các nghị định.

Tới đây, Bộ Tư pháp cũng sẽ thành lập một Hội đồng tư vấn thẩm định gồm các thành viên đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia để thẩm định tất cả các dự thảo nghị định này, nhằm bảo đảm hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi, tính hợp lý của văn bản.

Chuẩn bị các điều kiện thi hành Luật là công việc không kém phần quan trọng. Tại Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn lực, kịp thời triển khai việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trên cơ sở đó, việc cần làm tới đây là xây dựng Đề án xây dựng tổ chức, bộ máy, tăng cường biên chế cho Bộ Tư pháp, các Vụ pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Sở và Phòng Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có thể bắt tay ngay vào việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khi Luật có hiệu lực.

Song song với hai nhóm công việc trên là công tác phổ biến, truyên truyền, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đối với các bộ, ngành, UNND các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện văn bản pháp luật; tổ chức truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm góp phần nhanh chóng đưa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của người dân.

Bộ Tư pháp vừa là cơ quan trực tiếp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục vừa là cơ quan hướng dẫn các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Vì tầm quan trọng đặc biệt của nó, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được xác định là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2013.

- Vậy, thưa Bộ trưởng, bên cạnh nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ngành Tư pháp còn có những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2013?

- Bước sang năm 2013, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Ở trong nước, những hạn chế, bất cập nội tại của thể chế pháp luật chưa được khắc phục sẽ tiếp tục có tác động không thuận lợi đến các mặt kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của ngành Tư pháp nói riêng.

Trong bối cảnh đó, ngành Tư pháp cần xác định đúng và trúng các nhiệm vụ công tác trọng tâm của mình và quyết tâm tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và công tác tư pháp.

Các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013 của ngành Tư pháp sẽ được thảo luận, thông qua tại Hội nghị toàn quốc của Ngành được tổ chức vào ngày 9/1 tới đây.

Cho đến thời điểm này, tôi cho rằng, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2013 mà toàn Ngành Tư pháp sẽ tập trung thực hiện, đó là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và giúp Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân một cách thực chất về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Song song với đó, ngành Tư pháp cũng phải tập trung tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), góp phần tiếp tục thực hiện tốt một trong 3 đột phá chiến lược đã được xác định  trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Cùng với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, thì yêu cầu nâng cao chất lượng thẩm định, đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kết hợp có hiệu quả với việc tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm.

Trong năm qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã bước đầu phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện một số bất cập trong thực thi pháp luật. Trong thời gian tới, công tác này cần được tăng cường hơn nữa và phải coi đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật hiện nay trong một số lĩnh vực đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hoặc đời sống người dân.

Bộ Tư pháp vừa tiếp nhận một nhiệm vụ mới là kiểm soát thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung quyết tâm sẽ giữ vững nhịp độ công tác này, góp phần cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí tuân thủ, cải thiện chất lượng thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng ngừa tham nhũng, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển.

Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án dân sự, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là triển khai thực hiện các đạo luật mới được Quốc hội thông qua, Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt theo tôi, cũng cần được coi là những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2013.

Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và đặc biệt là sự cố gắng không ngừng của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, tôi tin, trong năm Quý Tỵ ngành Tư pháp sẽ tiếp tục bứt phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Thúy (thực hiện) – phapluatvn.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet