Tin tức
Khốn khổ vì “chủ ngoại“ “ôm“ tiền về nước
(23/04/2012)

Qua Việt Nam đầu tư, khi làm ăn không thuận lợi, nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài đã âm thầm vơ vét, bán tống bán tháo tài sản rồi bỏ trốn về nước để lại hàng loạt món nợ về lương, bảo hiểm xã hội (BHXH ) của công nhân, nợ thuế của Nhà nước… Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.

Công nhân Công ty TNHH TM-DV May mặc Trung Thu, Hóc Môn, chờ trực đòi lương

Đầu tư kiểu “lời ăn lỗ chạy”

Như PLVN đã đưa, vụ việc mới đây nhất xẩy ra hôm 10/4, Công ty TNHH TM -  DV may mặc Trung Thu, Hóc Môn, TP.HCM không thanh toán hơn 427 triệu đồng tiền lương tháng 3/2012 cho 138 công nhân (CN), khiến họ phải tụ tập, trải chiếu nằm ngủ trước cổng công ty để đòi tiền lương.

Theo phản ánh của CN, dù DN thực chất là của hai vợ chồng nhà đầu tư người Hàn Quốc, nhưng lại do bà Phạm Thị Băng, sinh ngày 26/7/1980 làm người đại diện theo pháp luật, và đăng ký chức danh giám đốc. Trong khi đó người quản lý điều hành và chịu trách nhiệm chi trả mọi chế độ cho CN lại là ông Cher Chun Sik, cũng người Hàn Quốc. Phát hiện công ty di dời hết số máy móc tốt cùng vải vóc và một số đồ may, công nhân đã “giam lỏng” ông Cher Chun Sik làm con tin để đòi nợ.

Trường hợp nữa là Công ty TNHH H&M Vina có địa chỉ tại số 67 đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM cũng do các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thành lập. Khi bị báo chí phanh phui công ty này đã có 7 năm trốn đóng BHXH cho CN với số tiền trên 2 tỉ đồng. Tính từ lúc bị phát hiện vào tháng 10/2010, có hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra được tiến hành, rất nhiều sở, ngành… liên đới tổ chức các cuộc họp, đề ra nhiều biện pháp chế tài để giữ nghiêm kỷ cương.

Rốt cuộc công ty vẫn cứ tồn tại và ngang nhiên thách thức pháp luật. Cuối tuần qua chúng tôi đến trụ sở để liên hệ công tác thì phát hiện các nhà đầu tư đã “vọt” đi từ lúc nào, máy móc, thiết bị họ mang đi hết chỉ còn lại khu nhà trống hoác. Không biết các cơ quan chức năng có hay biết việc này?

Mới đây nhất là vụ các chủ đầu tư người Đài Loan thuộc Công ty TNHH Diing Long Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, Khu công nghiệp Mỹ Phước I, Bến Cát, Bình Dương) bỏ trốn về nước. Theo xác định của Cục Hải quan Bình Dương, doanh nghiệp này đang nợ tiền thuế khoảng 17 tỉ đồng. Còn theo cơ quan BHXH Bình Dương, Diing Long cũng “xù” luôn số tiền mấy trăm triệu đồng đóng BHXH cho CN.

Trong khi đó, một vụ việc khác cũng liên quan đến các nhà đầu tư Đài Loan, đó là tại Công ty TNHH dệt len Magnicon (100% vốn Đài Loan, chuyên dệt len xuất khẩu ở Q.12). Từ tháng 2/2011, do kinh doanh thua lỗ hai vị lãnh đạo công ty là Tổng giám đốc Lai Chun Nam và Giám đốc Chin Yu Wen đã bỏ trốn về nước, mang theo khoản nợ lương và BHXH của CN lên đến gần 2 tỉ đồng.

Bẵng đi gần một năm, mới đây UBND quận 12 đã tổ chức cuộc họp để giải quyết câu chuyện này, theo hướng sẽ tiến hành thủ tục phá sản đối với công ty, trong đó  Liên đoàn lao động Thành phố chịu trách nhiệm hỗ trợ Liên đoàn lao động quận để hướng dẫn CN làm đơn yêu cầu tòa tuyên phá sản...

Chỉ khổ người lao động

Trong câu chuyện về trường hợp công ty HM Vina, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng các cơ quan chức năng đã xử lý quá chậm. Vụ việc đã hai năm rõ mười mà dai dẳng qua hai năm trời để đến nỗi giờ này công ty đã trốn đi đâu cũng không biết. Vụ công ty Diing Long các cơ quan chức năng xác nhận, DN này còn để lại một số tài sản là bất động sản nhưng đều đã thế chấp vay tiền ở các ngân hàng. Sau khi làm thủ tục phá sản và thanh lý tài sản thì số tiền cũng không đủ để trả cho các chủ nợ có bảo đảm, chứ đừng nói đến tiền thuế và lương, BHXH cho công nhân.

Đối với công ty Magnicon, quận 12, nhiều người tỏ ra hết sức ngỡ ngàng và khó hiểu, bởi hơn một năm sau khi giám đốc đã cao chạy xa bay về nước, CN thì tan tác khắp nơi kiếm sống mà đến giờ các ngành chức năng mới quyết định mở thủ tục phá sản DN.

Chưa kể làm sao có thể đi tìm được số CN hợp lệ (phải trên 50% theo đúng Luật Phá sản), giờ đã đi tứ xứ để cho Liên đoàn lao động hướng dẫn họ... làm đơn. Trong khi đó mặt bằng, nhà xưởng là do DN đi thuê, chỉ còn lại một ít máy móc, khi thanh lý tài sản các chủ nợ có bảo đảm cũng “chiếm” hết phần trước rồi.

Đáng lý ra khi vụ việc mới bắt đầu các nhà chức trách phải lập tức hướng dẫn để người lao động nộp đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi và phù hợp với mong mỏi của hàng trăm lao động đang lâm cảnh khốn đốn lúc bấy giờ.

Dư luận cho rằng, với các kiểu làm ăn chụp giật, “lời ăn lỗ chạy” của một số nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hữu hiệu thì khi xảy ra sự cố lại chỉ khổ những người lao động nghèo làm thuê mà thôi.

Lam Sơn-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet