Tin tức
Thừa phát lại: Đại biểu kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2015
(11/12/2012)

Đến năm 2014, Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, báo cáo lại Quốc hội đầu năm 2015 để Quốc hội xem xét có nên làm, hay chấm dứt, hay để sửa đổi luật, hay cho tiếp tục thí điểm.

Chiều ngày 10/11/2012, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Các đại biểu đều cho rằng nên tiếp tục kéo dài thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại thêm 3 năm nữa, đến ngày 31/12/2015 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và có mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có cơ sở đánh giá toàn diện công việc này tốt hơn.


Bộ trưởng Bộ tư pháp trình bày dự thảo Nghị quyết tại Quốc hội (Ảnh TTXVN)

Nhưng đến năm 2014, Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, báo cáo lại Quốc hội đầu năm 2015 để Quốc hội xem xét có nên làm, hay chấm dứt, hay để sửa đổi luật, hay cho tiếp tục thí điểm.

Về phạm vi hoạt động Thừa phát lại: có đại biểu cho rằng, nên tập trung vào công việc tống đạt giấy tờ, tống đạt bản án, xác minh điều kiện thi hành án, lập vi bằng; không nên giao thi hành án cho thừa phát lại.

Bởi theo đại biểu này thừa phát lại không đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như về xã hội và chính trị để đảm bảo việc thực thi trên thực tế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Hà Hùng Cường, hạn chế của việc chưa thi hành nhiều vụ việc không phải do thừa phát lại không làm được mà do phân biệt giữa Thừa phát lại với tư cách công lại được nhà nước bổ nhiệm để hoạt động trong một văn phòng theo tính tự chủ với cơ quan thi hành án và hạn chế về mặt cưỡng chế thi hành án.

Thừa phát lại tại Việt Nam?

Thừa phát lại (lại – tên gọi chung viên chức sơ cấp chuyên làm công việc bàn giấy trong bộ máy nhà nước phong kiến) là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Chế định Thừa phát lại đã từng tồn tại ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1950 và tiếp tục ở miền Nam cho đến năm 1975 với nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ hoạt động tố tụng và thi hành án án dân sự.

Việc thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện từ ngày 01/07/2009 – 01/07/2012. Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh, đến nay đã cho phép thành lập được 8 văn phòng Thừa phát lại, với 33 thừa phát lại, 68 thư ký và 33 nhân viên.

Các văn phòng thừa phát lại tại Tp. Hồ Chí Minh thực hiện các chức năng: lập vi bằng, tống đạt, xác minh và thi hành án.

Sau 2 năm các văn phòng thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản. Lập và đăng ký 5.020 vi bằng. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự cho 147 vụ việc và thi hành xong 26 việc (trong đó có 8 vụ phải sử dụng biện pháp cưỡng chế).

Thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói  riêng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

 

Q. Nguyễn

Theo TTVN

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet