Tin tức
Kiến nghị xem lại 2 Nghị định về Chứng minh nhân dân
(15/08/2012)

Sau khi PLVN có loạt bài nói về những bất hợp lý xung quanh quy định công khai tên cha, mẹ của công dân trên Chứng minh nhân dân (CMND), ngày 10/8/2012, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Văn bản số 151/KTrVB báo cáo Bộ trưởng Hà Hùng Cường vấn đề này, đồng thời đề nghị “xem xét kỹ tính hợp pháp đối với nội dung quy định về việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND đã được quy định tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170”.

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: “Cục đã kiểm tra Thông tư 27 và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp.”

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: “Cục đã kiểm tra Thông tư 27 và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp.”

Thiếu khả thi vì ba lý do

 

Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 về mẫu CMND của Bộ Công an được ban hành căn cứ trên Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về CMND và Nghị 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về CMND,  trong đó có quy định mẫu CMND mới ngoài các thông tin về cá nhân của người được cấp phải ghi thêm tên cha, mẹ của công dân đó lên mặt sau của tấm CMND.

 

“Nếu xét thầy cần thiết, Bộ trưởng có thể đề nghị Chính phủ xem xét nội dung quy định việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170”, Trích văn bản số 151/KTrVB của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

Sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành (1/7/2012), PLVN đã có loạt bài viết phân tích và dẫn chứng những điểm bất hợp lý của quy định nói trên và được dư luận, công luận đồng tình, ủng hộ.

Cụ thể, loạt bài với nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia pháp lý, giới chức quản lý, nhà xã hội học… đều chung một quan điểm việc công khai danh tính cha, mẹ trên CMND của người được cấp là không khả thi bởi các lý do sau: Thứ nhất, nó “đụng” đến yếu tố tâm lý, tình cảm được cho là nhạy cảm đối với nhiều người trong xã hội.

Thứ hai, đối tượng chịu sự tác động của quy định này rất lớn nhưng công tác thăm dò, lấy ý kiến trước khi ban hành quy định này chỉ “gói gọn” trong các thành viên Chính phủ và trong nội bộ ngành Công an.

Thứ ba, quy định trên trái với Điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư và Điều 16 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Cần xem lại quy trình soạn thảo, thông qua

 

Trao đổi với PLVN, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật đã tiến hành kiểm tra Thông tư 27 và ngày 10/8/2012, Cục đã có văn bản số 151/KTrVB báo cáo Bộ trưởng về vấn đề này.

 

Cụ thể, văn bản 151 nêu rõ: “Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, những ý kiến đã nêu trực tiếp liên quan đến nội dung của 2 Nghị định mà Thông tư số 27 dùng làm căn cứ pháp lý để ban hành. Do đó, Bộ cần tổ chức trao đổi, thảo luận kỹ về quá trình soạn thảo, thẩm định, thông qua Nghị định số 05 và Nghị định số 170.

 

Đặc biệt, cần xem xét kỹ tính hợp pháp đối với nội dung quy định về việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND đã được quy định tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170. Cũng cần xem xét sự phù hợp của nội dung đã nêu tại 02 Nghị định đối với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đồng thời, nếu xét thầy cần thiết, Bộ trưởng có thể đề nghị Chính phủ xem xét nội dung quy định việc ghi tên cha, mẹ của công dân vào CMND tại Nghị định số 05 và Nghị định số 170”.

 

Liên quan đến quy định nêu trên, trước đó trả lời PLVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - ông Nguyễn Văn Pha đã  cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các quy định của Thông tư 27. Nếu đúng là có những điểm chưa phù hợp như đã nói trên, thì Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị với Bộ Công an, đây là việc làm bình thường thuộc về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam”.

 

Đại diện của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam còn khẳng định, giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận, hơn nữa vấn đề này liên quan đến quyền, lợi ích của hàng chục triệu người dân nên cơ quan này sẽ phải xem xét và có ý kiến một cách nghiêm túc.

 

“CMND hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt CMND in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

 

Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm).

 

Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

 

Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân  tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.” - Trích Điều 2, Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ.

Thanh Quý - Tuấn Anh - phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet