Tin tức
Tòa lúng túng vì đương sự… không trả lời
(22/06/2012)

 

Một tòa án phải hoãn phiên xử vì đương sự từ chối không trả lời bất cứ câu hỏi nào của tòa. Cách giải quyết này đã gây nhiều tranh cãi…

Năm 1994, bà NTN bán cho ông TDM một căn nhà và mảnh đất rộng 1.600 m2 tại xã Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) với giá 400 chỉ vàng. Ông M. đã đưa 111 chỉ vàng, số vàng còn lại hai bên thỏa thuận chờ hoàn tất thủ tục thì sẽ thanh toán nốt.

Bất hợp tác vì không được chấp nhận yêu cầu

Sau đó ông M. chỉ nhận được 735 m2 đất, số diện tích còn lại bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm. Phía bà N. cũng không đòi số vàng còn thiếu. Năm 2000, bà N. mất. 10 năm sau, khoảng cuối năm 2010, những người thừa kế của bà N. bất ngờ phát đơn kiện ông M. đòi hủy hợp đồng mua bán nhà đất vì cho rằng hợp đồng này vô hiệu.

Mới đây, TAND quận Thủ Đức đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Ngay trong phần thủ tục, phía ông M. với tư cách là bị đơn đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì cho rằng người này “không đảm bảo tính vô tư khách quan”, gây thiệt thòi cho ông. Tuy nhiên, sau khi hội ý, hội đồng xét xử đã tuyên bố không chấp nhận. Ngay lập tức, phía ông M. tuyên bố: “Nếu thế, chúng tôi sẽ ngồi tại tòa để nghe và sẽ không trả lời bất cứ một câu hỏi nào”.

Trước tình huống khá hi hữu này, hội đồng xét xử lại vào hội ý và cuối cùng ra tuyên bố hoãn phiên tòa.

Phải tiếp tục xét xử

Quyền, nghĩa vụ của bị đơn

1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 58 Bộ luật này.

2. Được tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.

(Theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011)

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM nhận xét việc hoãn phiên tòa như trên là hoàn toàn không đúng, không cần thiết.

Theo nguyên tắc dân sự, tại tòa, bị đơn là người bị khởi kiện, phải tự tranh luận để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi bị đơn từ chối trả lời hội đồng xét xử nghĩa là họ đã tự từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình trong phiên tòa. Im lặng có nghĩa là đồng ý, không tranh luận gì với những lập luận của bên khởi kiện. Vì vậy, hội đồng xét xử vẫn sẽ ghi vào biên bản phiên tòa là bị đơn có mặt tại tòa nhưng từ chối tranh luận.

Vị thẩm phán này nhấn mạnh việc bị đơn không hợp tác không có nghĩa là tòa không thể xử. Tòa vẫn có thể căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ cùng lời khai của nguyên đơn để đưa ra phán quyết. Tòa không thể vì đương sự không hợp tác mà chịu thua, hoãn xử như trên.

Đồng tình, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng theo pháp luật tố tụng dân sự thì tòa hoàn toàn có thể tiếp tục xét xử. Theo luật sư Đức, không chỉ trong án dân sự, trước đây đã có một vụ án hình sự mà bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ra tòa, bị cáo im lặng, không đáp lại bất cứ câu hỏi nào của tòa, đại diện VKS… Dù vậy, hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử và đã căn cứ vào hồ sơ, các bút lục trong vụ án để nhận định, tuyên án bình thường.

Họ đã nói

Bị đơn từ bỏ quyền tranh luận

Gặp tình huống này, theo tôi tòa nên xem xét xem bị đơn có năng lực hành vi để “nhận thức” hay không. Nếu bị đơn hoàn toàn đủ “sức khỏe” thì tòa vẫn xét xử bình thường. Trường hợp này xem như bị đơn tự từ bỏ quyền của mình là “chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn” và từ bỏ “quyền tranh luận”.

Luật sư HOÀNG VĂN TRỢ,Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Xử phạt nếu cần thiết

Nếu đương sự không hợp tác gây khó khăn cho việc xét xử của tòa thì có thể xử lý họ theo quy định. Vì vậy, việc hoãn phiên tòa vì lý do đương sự không hợp tác theo tôi là quá cẩn trọng và chưa phù hợp luật định. Lẽ ra trong trường hợp cần thiết để phiên xử vẫn có thể tiến hành trơn tru, tránh làm thiệt hại đến quyền lợi của các đương sự khác cũng như thời gian, công sức của hội đồng xét xử thì chủ tọa nên tiến hành việc xử phạt đối với bị đơn và tiến hành phiên xử như bình thường.

Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN, Phó Trưởng Cơ quan đại diện tại TP.HCM của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

HOÀNG YẾN-phapluattp.vn

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet