Tin tức
“Đại gia“ nhìn “két tiền“ mà... khóc
(09/04/2012)

“Kho đầy hàng mà quỹ thì rỗng" – tình trạng mà doanh nghiệp Việt Nam đang lâm phải, theo các chuyên gia, nếu bị kéo dài thêm sẽ dẫn tới sự phá sản hàng loạt.

Ảnh minh họa.

Hàng tồn tăng 34,9%

Như PLVN đã đưa, tại buổi họp báo do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương  công bố một con số hết sức đáng ngại, chỉ số sản xuất công nghiệp đến thời điểm hiện tại chỉ tăng 4,1%, trong khi tồn kho - thậm chí có ngành tăng đến gần 63%.

Sản xuất đình trệ, vì bức tranh kim ngạch xuất nhập khẩu cũng kém sắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2012 ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hàng hoá không được lợi về giá; nhiều mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và giá so với cùng kỳ, trong đó gạo giảm đến 42,5% về lượng và 42,5% về giá.

Công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng sản xuất giảm.

Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm rất cao so với cùng kỳ năm trước. 3 tháng đầu năm, lượng hàng hóa tồn kho tăng 34,9%, trong khi mức tiêu thụ chỉ tăng 0,5%. Cụ thể, tồn kho phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; phân bón tăng gần 63%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến sản xuất trì trệ, hàng tồn kho tăng cao, nhưng tựu trung là do nhu cầu tiêu dùng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm, người dân cắt giảm chi tiêu. Mà nguyên nhân của nguyên nhân là do, qúy I, các công trình xây dựng chưa vào vụ, lãi suất cao, thị trường bất động sản “đóng băng”, trong khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng…

Đến lúc lãi suất hạ thì DN đã kiệt sức


Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước tình hình này đã đến lúc phải “liệt kê” cho chính xác, đầy đủ về thực trạng các DN bị “đắp chiếu”.

“Con số hơn 79.000 công ty đóng cửa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra tại Báo cáo thường niên về doanh nghiệp 2011 đã đủ chưa?” – ông Khiêm nêu câu hỏi.

Để giúp các DN có khả năng “sống sót” qua khủng hoảng, theo người từng đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, thì cơ quan này cần sớm đưa mức lãi suất cho vay đồng nội tệ về khoảng 13 - 14%. Đồng thời, Chính phủ phải sớm có chỉ đạo về giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp. “Chứ cứ tiếp tục đợi, tới lúc lãi suất hạ thì doanh nghiệp đã kiệt sức rồi” – ông Khiêm cảm thán.

Theo các chuyên gia, để gỡ được mớ bòng bong “kho thì đầy hàng mà quỹ thì rỗng", trong thời khắc khó khăn này, các DN nên đa dạng hóa kênh phân phối. Một mặt, DN có thể tự xây dựng kênh phân phối riêng, mặt khác, thông qua hệ thống nhà phân phối hay đại lý, hoặc phân phối qua kênh truyền thống như chợ, kios, cửa hàng, kênh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Đặc biệt, DN phải chú trọng khâu hậu mãi, bảo hành bảo trì, và tăng cường các hình thức kích cầu như tặng quà, mua hàng trúng thưởng, nhằm giảm hàng tồn kho….

Mai Hoa-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet