Tin tức
3 cái sai của... trạm thu phí
(21/03/2012)


Đó là các trạm thu phí san sát nhau, không bảo đảm khoảng cách 70km như quy định, thu phí người không sử dụng đường và phí chồng phí. Trong khi đó, chỉ có 15 trạm nộp ngân sách nhà nước.

* Ôtô giữa muôn trùng thuế, phí

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT), ngày 1-6-2012 khi thực hiện thu phí theo đầu phương tiện cho quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT sẽ xóa bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách nhà nước, vẫn giữ lại các trạm thu phí BOT (theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay trên hệ thống quốc lộ chỉ có 15 trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, còn số trạm BOT cao gấp đôi (31).


Từ quận 2 (TP.HCM) đi Bình Chánh đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
khoảng 30km nhưng phải qua hai trạm thu phí

Không đi cũng phải đóng tiền

Những người lái xe đi lại thường xuyên trên các quốc lộ ở phía Bắc nhiều năm nay ta thán nhưng vẫn phải chấp nhận tình trạng nộp phí dù không sử dụng đường.

Cụ thể, người dân đi qua trạm thu phí Bắc Thăng Long trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (địa phận Hà Nội) lại phải đóng phí cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Đó là chưa kể chuyện nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 (thuộc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng - Viettracimex) được thu phí từ ngày 1-9-2009 dù đến cuối tháng 12-2010 dự án mới hoàn thành.

Tương tự, để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) cũng được chuyển giao hai trạm thu phí trên quốc lộ 5. Ngoài ra từ tháng 12-2009, Vidifi cũng được bàn giao trạm thu phí Tiên Cựu thu phí để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Bức xúc nhất là việc các bộ ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty cổ phần BOT, đầu tư dự án xây đường tránh TP Thanh Hóa, được quyền thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí Tào Xuyên trên quốc lộ 1 ngay cửa ngõ TP Thanh Hóa. Ngoài vị trí có tính “bắt chẹt” (tất cả xe chạy trên quốc lộ 1 dù không sử dụng đường tránh cũng phải đóng phí), nhà đầu tư 822 tỉ đồng này còn được áp dụng mức thu gấp đôi mức phí các trạm nộp ngân sách nhà nước, với thời hạn thu 30 năm 8 tháng kể từ ngày 1-1-2009. Hiện nay, Bộ GTVT đang đề xuất giảm mức thu xuống còn 1,5 lần mức thu cơ bản đối với trạm này nhưng chưa được áp dụng.

Tương tự về mức độ bức xúc là việc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), đầu tư BOT tuyến tránh TP Vinh, được sử dụng trạm thu phí Bến Thủy (TP Vinh) khiến tất cả xe từ TP Vinh (không đi đường tránh) sang địa bàn Hà Tĩnh và từ Hà Tĩnh sang TP Vinh đều phải đóng phí.

Ở phía Nam, dư luận đang lên tiếng rất nhiều về việc Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, được lập trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cho đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Một chuyện cười ra nước mắt nữa là dự án xây dựng cầu Đồng Nai và các nút giao thông Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu thi công đầu năm 2009 (đến nay vẫn chưa hoàn thành) nhưng nhà đầu tư lại được cho phép thu phí ở trạm thu phí Sông Phan (tỉnh Bình Thuận), nằm cách cầu Đồng Nai... 142km!

Tháng 11-2011, từ đề xuất của các cơ quan thẩm quyền, Thủ tướng đã đồng ý cho đặt trạm thu phí tại cầu Đồng Nai để hoàn vốn cho cầu này. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng số 1 - chủ đầu tư dự án BOT xây dựng cầu Đồng Nai mới - cho biết đến năm 2014 mới dời việc thu phí từ Sông Phan về cầu Đồng Nai do phải thương thảo lại hợp đồng BOT với Bộ GTVT cũng như tính toán các phương án kỹ thuật đặt trạm thu phí mới.

Như vậy, vụ sai lầm ở trạm thu phí cho cầu Đồng Nai đang được sửa sai, nhưng sẽ mất ít nhất hai năm nữa người dân ở tỉnh Bình Thuận mới không còn phải nộp phí cho cầu Đồng Nai ở tít mù xa.

Công ty cổ phần BOT đường tránh TP Thanh Hóa được đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1,cách công trình doanh nghiệp đầu tư hơn 2km,

khiến xe đi trên quốc lộ 1 dù không đi vào đường tránh vẫn phải chịu phí

Đi 20-30km gặp trạm thu phí

Ông Đỗ Xuân Phú - giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ vận tải thương mại Minh Liên (Q.Bình Thạnh) - cho biết trên lộ trình TP.HCM đi Bình Dương chỉ 50km phải qua ba trạm thu phí, một trạm ở xa lộ Hà Nội, hai trạm ở tỉnh Bình Dương. Còn đường từ cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) đến Long An khoảng 70km phải qua ba trạm thu phí. Nếu không theo lộ trình cầu Phú Mỹ thì phải chờ sau 0g  mới đi cầu Sài Gòn - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, với quãng đường xa hơn khoảng 10km và vẫn nộp phí ở ba trạm thu phí.

Theo ông Phú, một xe container đi từ cảng Cát Lái về Long An đã trả cho ba trạm thu phí 940.000 đồng, chiếm 30% so với tiền cước vận tải (trên 3 triệu đồng). Sau khi chi trả lương tài xế, xăng dầu, khấu hao xe, trả lãi vay ngân hàng thì doanh nghiệp bị lỗ.

Ông Vũ Thanh Hòa - chủ xe đò của Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) - nói lộ trình từ bến xe miền Đông (TP.HCM) đến tỉnh Đắk Lắk dài 350km mà có đến bảy trạm thu phí.

Bình quân 50km có một trạm thu phí là bất hợp lý. Một chuyến xe đò 29 chỗ ngồi có doanh thu khoảng 2 triệu đồng/chuyến, sau khi nộp phí 120.000 đồng, chi trả lương tài xế 350.000 đồng, lái phụ 200.000 đồng, chi phí xăng dầu, khấu hao xe... thì không còn lời.

Nếu chọn lộ trình quốc lộ 1 qua Đồng Nai, Bình Thuận, Nha Trang lên Đắk Lắk thì đường dài hơn, lên đến 600km và vẫn nộp phí ở bốn trạm. Ngay trên tuyến quốc lộ 1 vẫn có tình trạng trạm thu phí cách nhau dưới 70km: trạm Quán Hàu cách trạm Cầu Gianh 46km, trạm Tam Kỳ cách trạm Hòa Phước 47km, trạm Ninh An cách trạm Bàn Thạch 58km...

Phí chồng phí

Trong đề án quỹ bảo trì đường bộ trình Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất nếu thực hiện thu phí bảo trì theo đầu phương tiện thì sẽ xóa 19 trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện nay và mua lại quyền thu phí của sáu trạm đã bán quyền thu phí để đầu tư các công trình giao thông khác theo chủ trương của Chính phủ. Riêng trạm BOT hiện có 31 trạm và do nhà đầu tư BOT thu phí bảo trì cho đường của họ chứ không trích sang quỹ bảo trì của Nhà nước nên vẫn tiếp tục để nhà đầu tư thu phí hoàn vốn, đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng của Nhà nước cũng như nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thừa nhận 13 trạm thu phí bắt dân “không đi cũng phải đóng tiền” là vấn đề “gai góc”, cần quá trình sắp xếp điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời trong đề án mở rộng quốc lộ 1, để tạo vốn mở rộng quốc lộ 1 trên toàn tuyến, Bộ GTVT kiến nghị tăng mức thu phí trên quốc lộ 1 lên mức tối thiểu 75% phí đường cao tốc (hiện đường cao tốc đang thu 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn) và ba năm tăng một lần với mức 18% để thu hút nhà đầu tư. Với chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng số lượng trạm BOT trên quốc lộ 1 sẽ còn tăng lên. Khi việc thu phí bảo trì đường bộ được tiến hành, cộng với hàng loạt trạm thu phí BOT vẫn tồn tại thì việc phí chồng phí là không tránh khỏi.

Theo Phapluattp.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet