Tin tức
Những thảm án rợn người của côn đồ máu lạnh
(17/04/2012)

- Vì muốn có 'máu mặt' để không bị yếu thế trong việc cạnh tranh hàng quán, hắn ngấm ngầm 'sưu tầm' lựu đạn để làm 'bảo bối chống lưng' khi cần thị uy với thiên hạ.

Từ một nông dân ít học, Nguyễn Văn Công (SN 1970, quê ở khu phố 6, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) sau khi chuyển sang làm phụ việc kinh doanh quán ăn đã nảy sinh những ý tưởng ngang tàng. Vì muốn có 'máu mặt' để không bị yếu thế trong việc cạnh tranh hàng quán, hắn ngấm ngầm 'sưu tầm' lựu đạn để làm 'bảo bối chống lưng' khi cần thị uy với thiên hạ.

Năm 1994, sau một mâu thuẫn nhỏ với nhân viên của một nhà hàng, Công đã ngông cuồng ném hai quả lựu đạn gây trọng thương 4 người, khởi đầu cho hành trình tội ác của hắn. Sau khi gây án, Nguyễn Văn Công trốn vào Tây Nguyên để tránh sự tầm nã của cơ quan chức năng. Cái tên Công “lựu đạn” là biệt danh mà người Hà Tĩnh thường gọi từ đó, khi nhắc đến hắn. Tại nơi lẩn trốn, không những không cải tà quy chính, Công lại phạm tội giết người vì máu côn đồ của hắn. Chui lủi khắp nơi để trốn tránh pháp luật, trong một lần về nhà để xin tiền đi nương náu, tên Công đã lạnh lùng bắn chết lái xe khách ngay trên đất quê nhà Hà Tĩnh.

Kỳ 1: Hai quả lựu đạn khởi đầu con đường tội ác

Vào đầu năm 1993, Nguyễn Văn Công vào làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng ăn uống của anh trai tại thị xã Hồng Lĩnh. Vì một mâu thuẫn nhỏ với nhân viên nhà hàng khác, Công gây xô xát với nhiều người, máu côn đồ khiến hắn dùng hai quả lựu đạn gây trọng thương 4 người, khởi đầu cho hành trình tội ác của kẻ sát nhân máu lạnh.


Nguyễn Văn Công

Xin lựu đạn làm “bảo bối”

Nguyễn Văn Công sinh năm 1970, ở phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Gia đình làm nông, lại đông con (Công là con thứ 6) nên học hết lớp 7 thì nghỉ học ở nhà làm việc đồng áng cùng gia đình. Đến tuổi thanh niên, hắn lấy vợ, sinh được một con trai và một con gái. Năm 1993, anh trai hắn là Nguyễn Sử mở nhà hàng 126 (ở phường Nam Hà, thị xã Hồng Lĩnh) phục vụ ăn uống cho xe khách Bắc - Nam, hắn bỏr uộng nương lên làm phục vụ cho nhà hàng này. Vào thời điểm đó, những nhà hàng phục vụ xe khách dọc đường Quốc lộ 1A cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Để tranh giành khách, các chủ nhà hàng phải có “thế” để uy hiếp các quán khác, việc ngấm ngầm đe dọa nhau là chuyện thường tình. Với ý nghĩ phải làm cho nhà hàng anh trai mình vượt lên trên các nhà hàng khác thì bản thân phải mạnh hơn người khác, Công nảy sinh ý đồ kiếm “hàng nóng” để uy hiếp đối thủ.

Công có người bạn là Nguyễn Thanh Trung (SN 1966, trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc,Hà Tĩnh) cùng đi bộ đội ở biên giới Tây Bắc về. Trong một lần ngồi hàn huyên với nhau bên mâm rượu, Công bộc bạch tâm sự với Trung rằng muốn kiếm “hàng nóng” để “chống lưng” cho việc làm ăn. Trung cũng tán thành quan điểm của hắn rằng: “Làm ăn lĩnh vực này thì cần phải có máu mặt, chứ cứ chịu lép vế thì thiên hạ cho ngồi mâm dưới thôi”. Hắn hỏi Trung có súng hay lựu đạn thì bán cho hắn. Trung bảo: “Súng thì không có nhưng lựu đạn mỏ vịt thì có một quả”. Công bắt đầu dở văn thuyết phục với Trung, rằng đã là anh em thì phải giúp nhau những việc như thế này. Rượu vào thì bốc máu hào hiệp, Trung đồng ý cho Công quả lựu đạn mỏ vịt và hẹn 3 ngày sau đến nhà Trung lấy. Đúng hẹn, Công đến nhà Trung xin được quả lựu đạn, đem về chôn giấu sau vườn nhà.

Một thời gian sau, cũng trong bàn nhậu với một người bạn khác là Ngô Quang Lý (SN1969, trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc), Công kể cho Lý chuyện Trung cho hắn quả lựu đạn và “nỗi niềm” tranh đấu trong kinh doanh nhà hàng. Hoàn toàn ủng hộ Công, Lý nói với hắn là mình cũng có một quả lựu đạn. Công sáng mắt lên như mèo thấy mỡ, lại dùng chiêu bài “tình thương mến thương” để thuyết phục Lý cho hắn quả lựu đạn. Lý đồng ý, và khoảng 10 ngày sau Lý mang quả lựu đạn đến cho Công, hắn đưa về giấu chung với quả lựu đạn xin được của công.

Dùng lựu đạn giải quyết mâu thuẫn

Khi có được hai quả lựu đạn, Công như “vững tâm” hơn về công việc đang làm, không ngại tranh chấp với người khác. Khoảng 18h ngày 22/10/1994, trong lúc nhà hàng 126 không có khách vào ăn uống, Công đi dạo bộ dọc đường. Khi đi ngang qua quán bán bánh kẹo, trái cây phía trước sân nhà hàng 359 (cách nhà hàng 126 khoảng 80m), hắn ghé vào mua trái cây ngồi ăn. Hắn đang ăn thì có 3 chiếc ô tô khách vào nhà hàng 359 ăn cơm tối. Khi xe đã vào hẳn trong sân, nhân viên nhà hàng này kéo cổng lại không cho khách đi ra ăn chỗ khác.

Lúc đó có một thanh niên nói với nhân viên nhà hàng là xin ra ngoài ăn bát mì tôm, vì hết tiền không đủ tiền ăn cơm, nhưng nhân viên nhà hàng giữ lại không cho ra. Thấy “ngứa mắt”, công xen vào can thiệp: “Người ta muốn ăn đâu thì ăn, tại sao lại cấm họ ăn quán khác?”. Nhân viên nhà hàng 359 gồng lên, quát lại: “Không phải việc của mày, đừng có xía vào”. Bức xúc vì lời nói của mình bị coi không ra gì, Công nhảy vào xô xát với nhân viên này.

Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Tứ làm trong nhà hàng 359 và một số nhân viên khác ra can ngăn. Đang lúc máu nóng dâng lên, Công lao vào nhà hàng 359 gạt đổ bàn ghế, bát đĩa và thức ăn của hành khách đang ăn, và đấm đá ông Tứ. Ông Trần Đức Miên, chủ nhà hàng 359 đang bê mâm cơm ra cho khách cũng bị Công gạt đổ, sau đó bị hắn cho “ăn” đấm cùng với ông Tứ.


Tang vật gây án của Công "lựu đạn"

Thấy Công quá hung hăng và không có dấu hiệu dừng lại, anh Nguyễn Anh Vũ (con ông Nguyễn Văn Tứ) chạy sang nhà chị Đào (là chị ruột của Công, ở đối diện bên kia đường) để nhờ điện thoại gọi cho Công an đến giải quyết. Công chạy theo anh Vũ sang nhà chị Đào và nói: “Tao đập chết thằng nào gọi điện cho công an”. Chợt nhìn thấy nửa viên gạch vỡ ở góc sân, Công cầm lên và lao vào đánh anh Vũ. Chị Đào vào can ngăn, nhưng đến phát thứ hai thì anh Vũ bị Công đập viên gạch trúng vào trán, phải nhờ người nhà đưa đến Bệnh viện Hồng Lĩnh cấp cứu, điều trị.

Sau khi quậy phá ở nhà hàng 359, Nguyễn Văn Công nghĩ người nhà anh Vũ và nhà hàng 359 sẽ tìm mình để hỏi tội, hắn chạy về nhà lấy hai quả lựu đạn đang chôn giấusau nhà rồi chạy lên nhà hàng 126 quan sát động tĩnh. Khoảng 19h, anh Trần Tiểu Long (con trai ông Trần Đức Miên) đi chơi về nghe chuyện Công quậy phá và đánh người ở nhà hàng 359, liền cầm một vỏ chai bia chạy sang nhà hàng 126 tìm Công.

Thấy anh Long đến, nhân viên nhà hàng 126 sợ quá bỏ chạy hết. Long vào đập vỡ bóng điện trước sân nhà hàng 126. Tên Công lúc này đứng ngoài mép đường rút chốt quả lựu đạn ném vào chỗ anh Long, tuy nhiên quả lựu đạn rơi vào vào thềm nhà, lăn vào phát nổ tại gian nhà phía trong nên không ai bị gì, chỉ làm hỏng nền nhà và một số bàn ghế.

Nghe tiếng nổ, ông Trần Đức Miên và anh Lê Nam Trung (con rể ông Nguyễn Văn Tứ) hoảng hốt chạy sang, thấy Long không việc gì nên kéo Long về. Long không chịu về nên 3 người cứ dùng dằng, tên Công đang đứng ở thềm nhà hàng 126 rút chốt quả lựu đạn thứ hai, lạnh lùng ném vào 3 người. Sau vụ nổ, anh Lê Nam Trung bị đa chấn thương do bị mảnh lựu đạn xuyên vào cẳng chân, đùi và mắt cá chân; ông Trần Đức Miên cũng bị nhiều vết thương ở tai trái, đùi, cẳng chân, mông… chảy máu rất nhiều; anh Trần Tiểu Long bị mảnh kim khí găm vào long bàn chân và gót chân; cả anh Nguyễn Anh Vũ bị tên Công dung gạch đánh vào đầu đều phải đi cấpcứu tại Bệnh viện Hồng Lĩnh.

Trốn lệnh truy nã

Ném lựu đạn xong, tên Công nghĩ sẽ có người chết nên lẩn ra cửa sau nhà hàng 126 chạy về nhà. Hắn nói với vợ Là Nguyễn Thị Bình: “Tao ném lựu đạn trên quán, giờ phải trốn, ở nhà gằng nuôi con”. Hắn gói gém mấy bộ quần áo rồi đi tắt qua cánh đồng đến nhà bạn là Nguyễn Trọng Quý (ở xóm 4, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Ngày 23/10/1994, Công an thị xã Hồng Lĩnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Văn Công về các tội danh: “Gây rối trật tự công cộng”, “sử dụng vũ khí quân dụng trái phép” và “giết người”. Đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Công, nhưng sau khi gây án hắn bỏ trốn nên Công an thị xã Hồng Lĩnh chuyển hồ sơ lên cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh. Công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh truy nã đặc biệt Nguyễn Văn Công trên toàn quốc.

Sau khi đến nhà Nguyễn Trọng Quý, kể lại cho Quý chuyện ném lựu đạn ở nhà hàng 126, Công nhờ Quý lên hiện trường xem hậu quả ra sao, có ai chết hay không. Quý sang nhà Nguyễn Thanh Trung (người đã cho Công một quả lựu đạn) rủ Trung cùng đi thám thính tình hình. Xác định được không có ai chết mà có mấy người bị thương, Quý về báo lại cho Công.

Nguyễn Văn Công ngủ lại nhà Quý đêm hôm đó. Sáng hôm sau, Trung sang nhà Quý gặp Công. Công nói với Trung: “Tao phải đi trốn thôi, có chỗ nào an toàn bố trí giúp tao”. Trung nói: “Nhà tao gần đường nên không an toàn, để tao đưa đi chỗ khác”. Sau đó Trung lấy xe máy chở Công đến nhà Nguyễn Văn Thông (ở xã Yên Lộc, huyện Can Lộc) và gửi Công ở đó. Trốn ở nhà Thông được hai ngày, Trung lại đến chở Công sang nhà một người bạn cùng đi bộ đội trước đó là Phạm Xuân Ánh (ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Thấy cứ lẩn trốn trong huyện thì sẽ dễ bị phát hiện, khoảng 4 ngày sau, Nguyễn Văn Công đón xe ôm xuống thị trấn Can Lộc rồi lên xe khách vào Tây Nguyên ẩn náu.
Duy Anh-Idaily

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet