Tin tức
Chưa “nhìn“ được căn nguyên đẩy lạm phát tăng cao
(26/04/2012)

Năm 2011, Việt Nam rơi vào nhóm  các nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, sau Kenya: 18,93%; Tazania: 19,8%  và Venezuela: 26%. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức tăng khoảng 8 – 9% và mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu.

Kết quả là quý I/2012, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.  Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đâu là nguyên nhân sâu xa khiến lạm phát tăng cao chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo.

ảnh minh họa

Cùng nguyên nhân nhưng lạm phát năm cao, năm thấp
Lý giải cho tỷ lệ lạm phát luôn ở mức cao, báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh phân tích: “Chỉ số lạm phát ở nước ta cao hơn nhiều so với các nước do có nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, chậm được điều chỉnh và hiệu quả nền kinh tế thấp, trong đó cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công lớn, nhưng dàn trải, hiệu quả thấp.

Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu là do nhiều năm qua nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội”.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta là 33,3%/năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 30,2%/năm. Về chính sách tài khoá, ngoài việc duy trì bội chi NSNN ở mức 5% GDP trong nhiều năm (riêng năm 2009 lên đến 6,9% để chống suy giảm, phục hồi tăng trưởng), còn phát hành trái phiếu Chính phủ với số vốn lớn.

Cùng với việc phải điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo thị trường, nước ta phải nhập siêu nên đã "nhập khẩu” lạm phát khi giá thế giới tăng cao. Ngoài ra yếu tố tâm lý cũng tác động lớn đến lạm phát.

Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2012, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo hướng bảo đảm chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát năm 2012 tăng khoảng 8-9%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2011 tăng 18,58% so với năm 2010. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức bình quân chung, là: nhóm hàng ăn và và dịch vụ ăn uống tăng tới 24,8%, trong đó, lương thực tăng gần 19%, thực phẩm tăng tới 27,4% và ăn uống ngoài gia đình tăng 23,4%; giáo dục tăng 20,4%; giao thông tăng trên 19%.

Tuy nhiên, theo phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định của Chính phủ về nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao cần được đánh giá kỹ hơn, sâu sắc hơn vì: ‘‘Trong vài năm qua, vẫn với các nguyên nhân này mà lạm phát không ổn định, có năm rất cao, có năm lại thấp”.
Dẫn chứng cho nhận định này, Ủy ban Kinh tế cho biết, năm 2011, mặc dù đã chủ động kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước và quá thấp so với mức công bố định hướng điều hành chính sách và nhu cầu hợp lý của nền kinh tế; mặt khác giá hàng hóa thế giới năm 2011 cũng có xu hướng giảm nhưng chỉ số giá tiêu dùng cả năm vẫn ở mức rất cao trong 20 năm qua.  

Lạm phát thấp hơn nhiều so với dự báo: cũng tiềm ẩn nguy cơ

Đánh giá tình hình kinh tế, xã hội quý I/2012, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết: nhìn chung, giá cả, lạm phát đã có xu hướng giảm dần, bước đầu ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2012 đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. CPI tháng 3/2012 tăng khoảng 2,55%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2011 tăng 6,12%; năm 2010: 4,12%).
Quý I/2012, GDP tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%), thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012./.


Giải pháp được Chính phủ đặt ra cho thời gian tới là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời, điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm khả năng thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất và tỷ lệ nợ xấu.

Chủ động điều hành và kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15 - 17%.

Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Nghiên cứu, áp dụng giải pháp khoanh nợ đối với số doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn…
Mặc dù rất quan ngại với tình hình lạm phát nhưng việc chỉ số CPI tháng 3/2012 tăng 2,55%, thấp nhất trong vào 3 năm qua, theo các chuyên gia kinh tế, cũng không phải là tín hiệu  vui. Đặc biệt trong tháng 3 giá xăng được điều chỉnh tăng 10% nhưng do giá lương thực và thực phẩm chững lại nên lạm phát tháng 3 chỉ ở mức 0,16% thấp hơn nhiều so với dự báo của các cơ quan và các chuyên gia kinh tế.

Nhiều Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “tăng CPI ở mức thấp cũng thể hiện những hậu quả khó khăn từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm tổng cầu đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta trong quý I/2012”. Có ý kiến cho rằng, từ quý II/2012, nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng về tăng giá một số hàng hóa và có thể lặp lại tình trạng lương tăng - giá tăng của những năm trước đây.

Trên thực tế, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, song trong qúy I/2012, Chính phủ các nước châu Á, như Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Ấn Độ đã hạ lãi suất hoặc không thay đổi lãi suất để bảo vệ cho nền kinh tế khỏi tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ đang rõ nét ở châu Á trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại thời gian qua sẽ làm tăng áp lực lạm phát lên khu vực này trong thời gian tới.

Lan Phương-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet