Tin tức
Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất và nới tín dụng, “thuốc” có đúng liều?
(18/04/2012)

Một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất và nới tín dụng, thay cho sự hoan hỉ ban đầu, một loạt những lo lắng đã được DN “giãi bày”. Tiếng kêu đồng thanh  nhất là “liều thuốc” tín dụng đưa ra  có vẻ như hơi muộn mằn. Dù muốn sớm tiếp cận nguồn vay nhưng nay DN đã “cạn” tài sản thế chấp.

Chưa kể, với những DN thực sự có nhu cầu bổ sung thêm vốn để mở rộng thì lãi vay vẫn đang “ngất ngưởng” so với tỷ suất lợi nhuận/vốn cũng như khả năng hấp thụ được tiên liệu sẽ chậm bởi nguồn tồn kho còn ứ đọng nhiều. Tiếng “than” nữa từ thị trường bất động sản, nhiều ngân hàng “rình rập” mong thâu tóm hay mua rẻ các khoản nợ của những DN sắp đường cùng.

Cùng đó, giới chuyên gia lên tiếng phê phán hiện tượng ngân hàng giảm lãi suất huy động nhanh, đầu ra chậm cũng như vô số nhiêu khê trong thủ tục khiến DN như kẻ khát trên sa mạc “dài cổ”... ngóng.

Hồi âm cho những phản hồi này, giới nhà băng nói gì?. Theo “trần tình” của các lãnh đạo, bản thân lãi suất cho vay giảm chậm là vì độ trễ cho các ngân hàng tiêu thụ hết các khoản vốn huy động lãi suất cao trước đó. Để có thể giảm được lãi suất cho vay, đòi hỏi phải có nguồn đầu vào với chi phí hợp lý.

Nhưng với diễn biến hiện nay, khi câu chuyện thu hút vốn trên thị trường vẫn còn “lắm chiêu - nhiều gay gắt” thì chả mấy ngân hàng “dại” mà mạnh tay cắt giảm lãi suất đầu ra. “Ngân hàng cũng là DN, không thể cho vay bằng mọi giá trong bối cảnh nợ xấu gia tăng khi DN còn gặp khó. Như vậy, thà để tiền một chỗ còn an toàn hơn”- lãnh đạo một nhà băng từng chia sẻ.

Từ phía NHNN, cơ quan quản lý nghĩ gì?. Một đại diện chia sẻ: “Kịch bản” tín dụng đã được tính toán rất cẩn trọng. Vấn đề ở chỗ mọi thứ đều phải có lộ trình chứ không thể ngay “một sớm một chiều”. Điểm mấu chốt đó là những tháng qua NHNN phải lo rốt ráo làm cho đồng bộ các vấn đề của thị trường tiền tệ như dọn cho xong đống “bầy hầy” về thanh khoản của một số ngân hàng yếu kém dẫn đến chạy đua lãi suất; ổn định thị trường vàng và ngoại tệ; lo tích trữ “lương khô” ngoại hối đủ để có thể yên tâm điều hành lãi suất cho vay theo xu hướng giảm dần mà không quá e ngại VND  bỏ chạy sang mấy kênh kia. Chưa kể hạ lãi suất rồi, phải lo “canh” làm sao để tín dụng chảy vào đúng địa chỉ cần, không gây sức ép tăng lạm phát và vẫn đảm bảo tăng trưởng.

Nhận xét về tình hình hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại - cũng cho rằng, DN đình đốn, ngừng sản xuất, phá sản là bởi “thuốc” được đưa không đúng, nên không cứu được họ. “Phải cứu cho đúng, đó là những DN sản xuất; xác định phải hỗ trợ vốn cho DN nông thôn, xuất nhập khẩu…”.

Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận trong bối cảnh này, “nới” tín dụng không có nghĩa là “cởi hết”, bơm tiền cho vay bằng mọi giá. Trước mắt, bản thân các ngân hàng cũng xác định vốn ưu đãi chỉ đáp ứng một phần, nhất là cho những DN thực sự cần cho sản xuất, xuất khẩu. “Thuốc” thì phải đưa để cứu “con bệnh” nhưng phải “đúng liều” thì DN mới “hấp thụ” được. Theo dự đoán, khả năng tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện kể từ quý này và sau đó tăng lên trong những tháng cuối năm khi mùa kinh doanh cao điểm của DN diễn ra…

Minh Triết-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet