Tin tức
Hủy hợp đồng bảo hiểm trước hai năm, có nhận lại phí đã đóng hay không?
(17/04/2012)

Nếu khách hàng hủy ngang hợp đồng khi chưa nộp đủ hai năm phí đầu tiên, sẽ không nhận được khoản thanh toán của công ty bảo hiểm.

Hiện nay, bảo hiểm nhân thọ (BHNT) không còn là khái niệm mới mẻ với nhiều người. Tuy nhiên, việc hiểu đúng, hiểu rõ về các quy tắc điều khoản hợp đồng cũng như Luật Kinh doanh bảo hiểm và các thủ tục liên quan thì xem ra nhiều người vẫn rất mơ hồ. Chị Nguyễn Thị Thu (Cao Lãnh, Đồng Tháp), sau khi mua hợp đồng bảo hiểm gần hai năm, đến công ty để hủy hợp đồng và đòi nhận lại toàn bộ phí đã đóng. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm đã từ chối thanh toán hợp đồng cho chị. Chị Thu bất bình và đòi kiện công ty bảo hiểm vì cho rằng họ phải hoàn trả tiền cho chị tối thiểu bằng số tiền phí đã đóng vào, cộng thêm tiền lãi trong thời gian chị tham gia bảo hiểm. Không chỉ chị Thu mà một số khách hàng (KH) trong trường hợp tương tự cũng thắc mắc tại sao bị từ chối thanh toán. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhằm đưa ra giải đáp rõ ràng.

Luật sư cho biết tại sao công ty BHNT lại từ chối thanh toán?

+ LS Đặng Ngọc Châu: Sau khi KH nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và đóng kỳ phí bảo hiểm đầu tiên, nếu được công ty chấp thuận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm của KH sẽ được phát hành. Khi đó, KH có thời gian cân nhắc là 21 ngày kể từ ngày phát hành hợp đồng. Trong thời hạn 21 ngày này, nếu KH không muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm thì có quyền nhận lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí xét nghiệm y khoa và các chi phí khác, nếu có. Tuy 21 ngày là thời gian “cân nhắc” như vậy nhưng nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho KH theo đúng điều khoản hợp đồng. Sau thời gian cân nhắc 21 ngày, nếu KH buộc phải hủy ngang hợp đồng bảo hiểm trước khi đáo hạn, thì sẽ được nhận “giá trị hoàn lại” (GTHL) của hợp đồng.

GTHL là khoản tiền mặt mà KH của hợp đồng bảo hiểm có yếu tố tiết kiệm có thể nhận lại được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong thời gian ban đầu của hợp đồng, chi phí để công ty phát hành hợp đồng, quản lý hợp đồng, cũng như chi trả các quyền lợi bảo hiểm đối với số KH chẳng may xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian KH cân nhắc (21 ngày) là rất cao, trong khi số phí bảo hiểm đóng vào chưa đáng kể. Vì vậy trong thời gian hai năm đầu hợp đồng chưa có GTHL (hay GTHL bằng 0). GTHL chỉ hình thành sau hai năm khách hàng đóng phí đầy đủ và sẽ tăng dần theo thời gian hiệu lực hợp đồng.

Trong hai năm đầu mặc dù khách hàng chỉ mới đóng vài kỳ phí bảo hiểm nhưng nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm KH vẫn được công ty trả toàn bộ số tiền bảo hiểm theo đúng mệnh giá hợp đồng đã k‎ý.

Ví dụ, chị Nguyễn Thị H. ở Tiền Giang tham gia bảo hiểm với mệnh giá hợp đồng là 100 triệu đồng, tiền phí đóng vào là khoảng 3 triệu đồng một năm nhưng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra khoảng một năm sau khi ký hợp đồng, công ty bảo hiểm đã chi trả cho chị là 100 triệu đồng cùng với bảo tức tích lũy tính đến thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm GTHL để bạn đọc được rõ?

+ LS Đặng Ngọc Châu: GTHL là khoản tiền KH nhận được khi hủy hợp đồng trước thời hạn, áp dụng cho các sản phẩm có yếu tố tiết kiệm. Khi hủy hợp đồng, KH sẽ nhận lại GTHL (sau hai năm đầu của hợp đồng) sau khi đã trừ đi các khoản vay từ GTHL và lãi vay (nếu có). GTHL xuất phát từ nguồn phí dự phòng được trích lập từ phí bảo hiểm thu được và sự tích lũy từ việc đầu tư phí bảo hiểm. GTHL chỉ hình thành sau khi hợp đồng được nộp đủ hai năm phí bảo hiểm và sẽ gia tăng dần theo thời gian hiệu lực hợp đồng. Trong những năm đầu, GTHL thường nhỏ hơn nhiều so với tổng số phí đã nộp vì phải bù đắp cho chi phí hành chính và phát hành hợp đồng. Các chi phí khai thác như xét nghiệm y khoa, in ấn mẫu biểu, hồ sơ bảo hiểm… lớn hơn rất nhiều so với chi phí phục vụ cho việc duy trì hợp đồng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, phí bảo hiểm mà KH đóng hằng năm là không thay đổi trong suốt thời hạn hợp đồng. Điều đó có nghĩa là chi phí thực tế trong những năm đầu của hợp đồng bảo hiểm thường cao hơn nhiều so với số phí thu được từ hợp đồng đó. Việc hủy hợp đồng trong những năm đầu không chỉ bất lợi cho chính bản thân KH, mà công ty bảo hiểm cũng phải chịu thiệt thòi vì chưa thu hồi được chi phí đã bỏ ra.

. Khi tham gia bảo hiểm, nhiều người cho rằng đó cũng là kênh đầu tư tài chính. Tuy nhiên, khi xuất hiện các nhu cầu tài chính thì họ lại loay hoay tìm kiếm nguồn tiền để giải quyết vấn đề. Ông có lời khuyên, giải pháp nào giúp người tham gia bảo hiểm vẫn đảm bảo cả hai khía cạnh này?

+ LS Đặng Ngọc Châu: Trước tiên, bạn đọc cần nắm rõ rằng BHNT vừa có tính bảo vệ, phòng ngừa rủi ro, vừa có tính tiết kiệm. Nếu có rủi ro xảy ra thì đó là bảo hiểm, còn nếu như may mắn không có rủi ro xảy ra thì đó chính là khoản tiết kiệm. Mặc dù khoản chia lãi khi đóng bảo hiểm có vẻ như thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng nếu chẳng may rủi ro xảy ra cho người tham gia bảo hiểm thì họ sẽ nhận được một số tiền bảo hiểm lớn dù có khi họ chỉ mới đóng vài kỳ phí bảo hiểm. Đó là ưu điểm và khác biệt cơ bản nhất giữa mua BHNT và gửi tiết kiệm.

Để đảm bảo quyền lợi, KH trước khi mua bảo hiểm cần cân nhắc kỹ nhu cầu của mình, khả năng đóng phí, vì bảo hiểm đòi hỏi sự cam kết lâu dài, ổn định. Trong mọi trường hợp, hủy hợp đồng bảo hiểm giữa chừng sẽ gây thiệt hại tài chính cho chính KH và cho cả công ty bảo hiểm. Nếu vì lý do bất khả kháng, KH vẫn có nhiều lựa chọn để giữ hợp đồng tiếp tục hiệu lực nhằm duy trì quyền lợi bảo hiểm. Ví dụ như vay từ GTHL của hợp đồng, điều chỉnh giảm mệnh giá hợp đồng… KH nên tìm hiểu kỹ các thông tin này với công ty bảo hiểm trước khi có quyết định ngừng giữa chừng hợp đồng bảo hiểm của mình.

Mục đích chính của KH khi tham gia BHNT là bảo vệ an toàn tài chính cho bản thân và gia đình trước những bất trắc có thể xảy ra. Khi HĐBH được phát hành, KH đã được bảo hiểm ngay với số tiền bảo hiểm ghi trên HĐBH, bất kể KH đã tham gia bảo hiểm được bao lâu, đã nộp bao nhiêu phí, miễn là KH đã khai đầy đủ, trung thực khi điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm đến hạn được nộp đầy đủ, đúng hạn.

Điều 35 của Luật Kinh doanh bảo hiểm (ban hành năm 2000) quy định: “… bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Theo đó, nếu hợp đồng bảo hiểm vì lý do nào đó bị hủy ngang trước khi đóng đủ hai năm phí, KH sẽ không nhận được tiền hoàn lại.

MINH TÚ-phapluattp.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet