Tin tức
Lợi dụng Ngân hàng trục lợi cá nhân
(17/04/2012)


Các tổ chức ngân hàng, tín dụng được Nhà nước giao quyền quản lý, huy động, cho vay vốn.

Theo nguyên tắc, đồng tiền phải được lưu thông theo hệ thống các quy định của pháp luật, nhưng thực tế đã có không ít cán bộ ngân hàng câu kết với các đối tượng bên ngoài để biến ngân hàng thành nơi rút tiền, trục lợi cá nhân.

Điểm mặt vụ án Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi), trú tại 97 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại địa bàn xã Ea H'Ding, huyện Cư M'gar và xã Ea Kao, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, được dư luận hết sức quan tâm.

Cơ quan CSĐT Công an Đắk Lắk đã làm rõ Nguyễn Thị Hoa, chuyên làm nghề buôn bán nông sản, chốt cà phê non, cho vay lấy lãi và làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng qua nhiều năm. Hoa có thể lo trọn gói việc vay ngân hàng cho các cá nhân có nhu cầu mà không phải lo bất kỳ thủ tục gì, thậm chí Hoa còn nhận luôn tiền từ ngân hàng, chỉ cần đối tượng cần vay lên nhà Hoa ký các giấy tờ và nhận tiền và phải chi tiền môi giới 10%...

Có hợp đồng tín dụng, Hoa giả chữ ký, chữ viết của nhiều người trong hợp đồng tín dụng để vay tiền. Để làm được điều đó, rõ ràng có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng và những người có trách nhiệm. Liên quan đến vấn đề vay nợ, mất khả năng thanh toán của Nguyễn Thị Hoa đã đẩy đến nhiều cái chết thương tâm, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, vợ chồng anh Nguyễn Hậu (29 tuổi), chị Đào Thị Phúc (26 tuổi), thường trú tại Buôn Ea Sang B, xã Ea H' Ding, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, đã đưa 2 sổ đỏ cho Hoa nhờ vay 80 triệu đồng tại ngân hàng. Hoa đồng ý với điều kiện Hoa lấy 20 triệu tiền môi giới, trừ 10 triệu để trả lãi cho ngân hàng.

Về vụ án liên quan đến "cò" Nguyễn Thị Hoa, đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố 4 cán bộ ngân hàng, thuộc Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Đắk Lắk về các hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cơ quan Công an còn khởi tố Phan Văn Thịnh (49 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khởi tố Nguyễn Công An (50 tuổi) và Bùi Thị Hồng Sen, nguyên cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo các điều khoản trong hợp đồng tín dụng thì 3 tháng đóng lãi một lần, anh Hậu nghĩ là Hoa đã lấy tiền lãi trước sẽ đóng cho ngân hàng, nhưng Hoa không đóng nên ngân hàng gửi thông báo lãi về cho anh Hậu. Ngày 24/3/2010, đến hạn thanh toán hợp đồng, do chưa có tiền và Hoa không trả số tiền vay theo hợp đồng nên anh Hậu không trả tiền cho ngân hàng và chịu quá hạn. Quá bức xúc vì bị lừa, chị Phúc đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ ở nhà rẫy. Tiếp đó, anh Nguyễn Hậu cũng đã bỏ nhà đi tìm đến cái chết ở dưới giếng nước gần nhà…

Một trong số nhiều vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng đang gây bức xúc dư luận cả nước là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có sự tiếp tay của một số cán bộ thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong đó, "đại gia" Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật (Đắk Nông) là người có số lượng vay vốn Ngân hàng Phát triển với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.

Vì dễ kiếm ăn từ nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp của Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân cùng một số "đại gia" khác phải ở Tây Nguyên đã hợp lý hóa hồ sơ, thông đồng với các cán bộ Ngân hàng Phát triển, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để rút vốn Nhà nước.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng: Cao Bạch Mai (53 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật; Trần Thị Xuân (SN 1964), Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH Phát Long, và Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (Gia Nghĩa, Đắk Nông) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc) và Trần Xuân Lộc (Trưởng phòng Tín dụng) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông về hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng và hành vi nhận hối lộ...

Theo thống kê của cơ quan chức năng Đắk Lắk, trong 3 năm (2009 - 2011), cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố điều tra 10 vụ án hình sự có liên quan đến vi phạm của cán bộ ngân hàng, với số tiền thiệt hại của các ngân hàng trong các vụ án khoảng 147,6 tỷ đồng, chưa kể số tài sản mà khách hàng đã thế chấp cho các ngân hàng.

Điểm mặt những người đàn bà liên quan đến các phi vụ vay vốn chiếm đoạt tiền tỷ ở Tây Nguyên.

Từ thực tiễn các vụ án xảy ra cho thấy, hành vi phạm tội trong hoạt động tín dụng chủ yếu là do cán bộ ngân hàng để lộ tên truy nhập, mật khẩu, vi phạm quy chế an toàn bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; hoặc cán bộ ngân hàng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ thế chấp, để nhân viên lợi dụng sơ hở lấy hồ sơ thế chấp lập hồ sơ vay mới hoặc đem đi cầm cố lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Nhiều vụ cán bộ ngân hàng thực hiện không đúng các quy định của ngân hàng về thẩm định tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, tình hình tài chính của khách hàng; không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về trình tự thủ tục cho vay, thông đồng hưởng lợi…

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian vừa qua có nhiều dự án không kiểm soát được tính hiệu quả của đồng vốn cho vay. Hầu như phần lớn các vụ doanh nghiệp đổ bể, thua lỗ, lừa đảo vay vốn… đều liên quan đến đồng tiền vay của ngân hàng. Đáng chú ý là nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết, điều hành các chính sách vĩ mô của nền kinh tế khi cần thiết nhưng đã bị một số kẻ cơ hội trục lợi không ít.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tìm cách làm dự án, vẽ ra các kiểu kinh doanh để rút tiền ngân hàng đem cho vay "nóng" lấy lãi hoặc làm những việc phi pháp khác nhưng phía ngân hàng không thể phát hiện kịp thời, hoặc không đủ điều kiện để kiểm soát nguồn vốn sau cho vay.

Vì thế nhiều vụ việc đến khi bị vỡ lở thì ngân hàng không thể thu hồi được tiền trở lại và Nhà nước thiệt hại. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm cho vốn Nhà nước thất thoát, lạm phát, nhiều người dân khốn đốn… còn sự giàu có lại rơi vào tay những kẻ phạm pháp, lừa đảo.  

Theo Ngọc Như (CAND)

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet