Tin tức
Doanh nghiệp lo “sốt vó” trước đề nghị dừng kinh doanh tạm nhập tái xuất
(10/04/2012)



Trước thông tin đề nghị dừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn “mượn” đường  Quảng Ninh, Hải Phòng đưa hàng qua Trung Quốc tỏ rõ băn khoăn, lo lắng.

Siêu xe Ferrari-599GTB vừa tạm nhập tái xuất qua đường Móng Cái.

Theo ông Trịnh Văn Minh, chủ một DN trong lĩnh vực này, hiện tại công ty ông đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng bến bãi phục vụ chủ yếu cho hoạt động tạm nhập tái xuất. Nếu “lệnh” dừng được triển khai, coi như “khai tử” luôn chiến lược phát triển này của DN.

Không chỉ có DN của ông Minh, nhiều công ty khác trên địa bàn thành phố Móng Cái cũng đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho bến bãi từ nguồn vốn tự có, vốn vay ngân hàng. “Nếu hoạt động tạm nhập tái xuất bị dừng, nhiều DN sẽ bị tổn thất nặng nề. Hiện tại, nhiều đơn vị đang xây kho lạnh, bến bãi cũng phải dừng lại để nghe ngóng”, đại diện một DN ở Móng Cái nói.

Một lãnh đạo thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận, tính riêng trên địa bàn thành phố đã có hàng trăm DN hoạt động theo hình thức tạm nhập tái xuất.

Song song với sự tồn tại của DN là một lực lượng lao động hùng hậu đang hoạt động. Theo đó, hiện nay, kể cả lao động thời vụ, có khoảng 2 đến 3 vạn người đang làm việc cho các DN ở vùng kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Vì vậy, “lệnh” dừng tạm nhập tái xuất nếu được banh hành sẽ tác động rất lớn, không chỉ đối với riêng các DN tại địa phương này.

Trước đó, trong Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 diễn ra tại Hà Nội, một số ý kiến cho rằng, hoạt động tạm nhập, tái xuất và kho ngoại quan đang bị người nước ngoài và đầu nậu Việt Nam lợi dụng để đưa hàng cấm nhập vào thị trường nội địa. Trong khi, các đối tượng lại lợi dụng qui định Luật Hàng hải, Luật Thương mại và Luật Hải quan để từ chối nhận hàng khi hành vi bại lộ nên công tác đấu tranh phòng chống gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, DN Trung Quốc nhập khẩu không theo đường chính ngạch nên khi Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt thì hàng này lại tồn ở Việt Nam thời gian dài, gây hậu quả về môi trường và kinh tế khó đong đếm.

Với thực trạng nói trên, đại diện Bộ Công an cho rằng, mô hình kinh tế tạm nhập tái xuất tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ tập trung vào một số DN và tư nhân, trong khi trong quá trình thực hiện chúng ta lại phải giải quyết nhiều rủi ro. Ngoài các tồn tại đã nêu trên,  hàng hóa tạm nhập tái xuất vận chuyển trên bộ hầu hết đều bằng xe container, gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản trở giao thông. Theo đó, Bộ Công an đề xuất Chính phủ nên cân nhắc, xem xét cho dừng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc có qui định mới nhằm siết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều mặt hàng tạm nhập thì có nhưng tái xuất thì không. Đặc biệt như rượu, thuốc lá…, làm xong thủ tục tái xuất chưa được mấy tiếng đồng hồ thì hàng đã lại quay trở ngược Việt Nam. Tuy nhiên, vị này cho rằng nếu xóa hẳn hình thức kinh doanh này thì mất đi một nguồn lợi, nên vấn đề là phải khôi phục lại trật tự, kỷ cương.

Trở lại câu chuyện tại Móng Cái. Theo thống kê của địa phương này, mỗi năm tính ra  hoạt động tạm nhập tái xuất đóng góp cho thành phố Móng Cái nguồn thu từ 200 đến 300 tỷ đồng. “Đó là một nguồn tài chính rất lớn đối với địa phương”, vị lãnh đạo thành phố này cho biết.

Việt Hưng-phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet