Tin tức
Vụ người chết để lại hơn 1.000 tỉ đồng: “Sacombank có thể bị kiện”
(05/06/2012)

Như đã thông tin: Bà T.K.P. (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) qua đời đột ngột, gia đình không tìm thấy di chúc. Ngày 26-3-2011, ông T. V. Ph. là em trai và chị T.H.H.L. là con nuôi của bà P. đã ký hợp đồng thuê hai ngăn tủ sắt của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để gửi giấy tờ, tài sản bà P. để lại.

Ngày 26-3-2012, hợp đồng thuê ngăn tủ sắt hết hạn, ông Ph. muốn gia hạn hợp đồng, chị L. muốn rút tài sản về. Hai bên không thống nhất được nên ngày 23-5 ngân hàng tiếp tục gửi thông báo cho ông Ph. và chị L. với nội dung: Nếu bên thuê chỉ có một người đến nhận những tài liệu, tài sản chứa trong ngăn tủ sắt, Sacombank sẽ bàn giao cho người đến nhận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan.

Giao toàn bộ tài sản cho một bên

Ông Ph. cho biết chiều 30-5, ông và chị L. đến theo thông báo, tuy nhiên cả hai người vẫn giữ nguyên ý kiến trước đó. Ông nói: “Sáng 31-5, tôi đến Ngân hàng Sacombank ở 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 để nộp đơn đề nghị ngân hàng cho gia hạn thêm thời gian thuê tủ sắt để giải quyết tranh chấp, nhưng một người tiếp tôi tự xưng là phó giám đốc ngân hàng trả lời đã thanh lý tài sản trong tủ sắt cho chị L.. 

Họ chỉ trả lời bằng miệng và không giải thích gì thêm. Từ đó đến nay tôi chưa nhận được bất cứ giấy tờ, văn bản nào do ngân hàng trả lời việc đã thanh lý tài sản trong tủ sắt hay chưa?”.Ngày 4-6, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sacombank xác nhận đã thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt giữa ngân hàng với ông T.V.Ph. và chị T.H.H.L.. 

Tuy nhiên, khi được hỏi ngân hàng thanh lý hợp đồng, trả lại tài sản cho ai trong hai người ký tên thuê tủ sắt thì ngân hàng từ chối trả lời. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định Sacombank làm đúng thủ tục và quy trình pháp luật.

“Ngân hàng thanh lý hợp đồng không đúng luật”

Đó là ý kiến của hai luật sư mà phóng viên đã gặp là luật sư Trần Ngọc Hải và luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM). Luật sư Trần Ngọc Hải cho biết Sacombank ký hợp đồng cho thuê ngăn tủ sắt với ông Ph., chị L. về bản chất là hợp đồng gửi, giữ tài sản. 

Khi thời hạn hợp đồng kết thúc, giữa ngân hàng và khách hàng không thống nhất được việc gửi, giữ nên đã phát sinh tranh chấp và cần được giải quyết bởi một cơ quan tài phán thứ ba như tòa án. Ngân hàng thanh lý hợp đồng cho chỉ một người, dù chị L. hay ông Ph. là sai luật. 

Theo ông Ph. nói thì ngân hàng đã giao toàn bộ tài sản trong tủ sắt cho chị L., sau này nếu phát sinh tình tiết mới, số tài sản không phải của một mình chị L. thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại cho ông Ph. nếu có.Luật sư Phạm Văn Thạnh chia sẻ: “Sự việc đang có tranh chấp, hai người đồng ký gửi chưa thống nhất hướng giải quyết thì việc Sacombank đã giao tài sản gửi trong tủ sắt cho chị L. khi không có mặt (hoặc không có ý kiến bằng văn bản) của ông Ph. là không đúng quy định pháp luật”.Cũng theo luật sư Thạnh, ông Ph. có quyền khởi kiện ngân hàng ra tòa về việc này.

Chưa chắc chỉ có một người thừa kế

Luật sư Trần Ngọc Hải cho biết: Ngay cả trong trường hợp bà P. có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chị L. thì chị L. vẫn chưa được quyền sở hữu ngay số tài sản này, bởi theo Bộ luật dân sự, có những trường hợp được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào việc có tên trong di chúc hay không. Thí dụ: chồng/vợ, con đã trưởng thành mà bị mất sức lao động.

Do đó, để được công nhận là người thừa kế duy nhất, chị L. phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Trong trường hợp không có di chúc, tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Giả sử chị L. đã làm xong thủ tục này (điều khó xảy ra) thì Sacombank cũng phải tôn trọng cam kết giao lại tài sản cho cả hai người đứng tên trên hợp đồng gửi giữ tài sản.(Xem thêm bài “Trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế” của luật sư Huỳnh Văn Nông trên TTO (http://tuoitre.vn/). T.C. ghi


Trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Nơi nộp hồ sơ: Người khai nhận di sản tiến hành khai nhận tại cơ quan công chứng trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương, nơi bất động sản tọa lạc và có thể cùng khai nhận với nhiều  loại động sản khác. Trường hợp di sản là nhiều bất động sản tọa lạc tại nhiều tỉnh, TP thuộc trung ương  khác nhau thì người khai nhận sẽ nộp hồ sơ khai nhận tại cơ quan công chứng mỗi tỉnh, thành có bất động sản tọa lạc.

Giấy tờ phải nộp: Người khai nhận di sản phải nộp bản sao (photo) giấy chứng nhận về bất động sản; Giấy chứng tử của người để lại di sản; Các giấy tờ chứng minh người khai nhận là người được hưởng di sản thừa kế duy nhất (thông thường là giấy khai sinh và các giấy tờ chứng minh cha và mẹ của người để lại di sản chết trước người để lại di sản); và hộ khẩu, CMND của người khai nhận di sản.

Sau khi người khai nhận di sản nộp đầy đủ các hồ sơ như trên, Công chứng viên tiến hành niêm yết công khai về việc khai nhận di sản tại UBND phường nơi: người chết thường trú trước khi chết hoặc nơi tạm trú trước khi chết hoặc nơi có bất động sản. Thời hạn miên yết là 30 ngày. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có tranh chấp thì công chứng viên sẽ chứng nhận văn bản khai nhận di sản.Luật sư Huỳnh Văn Nông


Theo TÂM LỤA - H.Đ. (TTO)

 

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet