Cơ quan thi hành án tiến hành bán đấu giá nhà đất thì không có người mua, thậm chí cả lúc đã giảm giá nhiều lần cũng không ai đăng ký.Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng án là tác động của khủng hoảng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tự giải tán để “xù” nghĩa vụ, cạnh đó thị trường nhà đất đóng băng nên cơ quan thi hành án khó bán được tài sản…
Năm 2010, TAND TP.HCM tuyên buộc Công ty NĐ phải trả cho hai đối tác gần 10 tỉ đồng. Án có hiệu lực, Cục Thi hành án (THA) dân sự TP vào cuộc theo yêu cầu của người được THA thì mới biết Công ty NĐ đã ngưng hoạt động được một thời gian.
Đua nhau “mất tích”
Liên hệ với các cơ quan chức năng khác, cơ quan THA nhận được thông tin Công ty NĐ chưa làm thủ tục giải thể hoặc phá sản, thậm chí cơ quan thuế cho biết vẫn đang tiến hành truy thu tiền thuế. Quá trình THA đến đây thì coi như bế tắc vì cơ quan THA không biết Công ty NĐ đang “lưu lạc” ở đâu để làm việc.
Tương tự, Chi cục THA dân sự một quận của TP.HCM ra quyết định yêu cầu Công ty B. phải trả nợ cho Công ty S. gần 6 tỉ đồng. Đến địa chỉ của Công ty S. ghi trong bản án, chấp hành viên chỉ thấy cái… bảng hiệu treo trước cửa, còn mặt bằng thì một đơn vị khác đang kinh doanh. Hỏi ra thì mặt bằng là của người khác cho thuê, chấp hành viên đành phải ghi chú vào biên bản xác minh: Không thể THA vì công ty không còn hoạt động, chuyển đi đâu không rõ.
Theo đại diện Chi cục THA dân sự quận Tân Phú (TP.HCM) tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng quận này đã có 45 vụ doanh nghiệp (DN) phải THA bỏ địa phương đi đâu không rõ. Theo quy định những trường hợp như trên sẽ không thể THA được vì không rõ địa chỉ của người phải THA khiến án tồn đọng. Còn theo thống kê sơ bộ của Cục THA dân sự TP.HCM thì mỗi năm có hàng trăm DN có nghĩa vụ THA “mất tích”. Hầu hết đều rơi vào trường hợp DN chỉ đăng ký vốn điều lệ mà không có tài sản riêng, mọi thứ đều đi thuê...
Giám đốc bỏ về nước
Với những DN 100% vốn nước ngoài nợ tiền bảo hiểm xã hội, việc THA cũng rất trần ai. Thông thường số tiền nợ rất lớn nhưng DN chây ì, không còn khả năng chi trả, thậm chí chủ DN cao chạy xa bay về nước.
Chẳng hạn Công ty Giày Anjin (100% vốn Hàn Quốc) bị TAND quận Bình Tân buộc phải trả một lần hơn 6,5 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội. Án vừa tuyên xong thì cũng là lúc DN đóng cửa ngừng mọi hoạt động, giám đốc thì bay về nước. Trước đó, DN đã đem nhà xưởng, máy móc thế chấp vay tiền ngân hàng. Khi Bảo hiểm xã hội TP kiện thì phía ngân hàng cũng yêu cầu DN trả nợ. Số tiền thanh lý tài sản, sau khi khấu trừ các khoản thì chỉ còn khoảng 200 triệu đồng và cơ quan THA đã giao hết cho ngân hàng.
Tương tự, Công ty Giày dép Kwang Nam (100% vốn Hàn Quốc) bị TAND quận Phú Nhuận buộc phải trả một lần cho Bảo hiểm xã hội TP hơn 7 tỉ đồng. Trả được 500 triệu đồng, DN tuyên bố phá sản, giám đốc cũng bỏ về nước. Bảo hiểm xã hội TP đã yêu cầu cơ quan THA cưỡng chế bán đấu giá tài sản nhưng số tiền thu về được rất ít ỏi so với số nợ khổng lồ của DN.
Siêu giảm giá, vẫn… ế
Truy lùng DN “mất tích” đã khó, đến khi nắm trong tay bất động sản của DN, cơ quan THA cũng gặp khó trong thời buổi thị trường nhà đất đóng băng. Cưỡng chế kê biên xong, cơ quan THA thông báo, lên lịch bán đấu giá thì không có người mua, thậm chí cả lúc đã giảm giá nhiều lần cũng không ai có nhu cầu.
Chẳng hạn đầu năm 2012, Chi cục THA dân sự quận Tân Phú (TP.HCM) cưỡng chế kê biên nhà của bà H. ở phường Sơn Kỳ và nhà ông L. ở phường Tân Thới Hòa. Sau khi ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM bán tài sản, kết quả là đến nay không có ai mua dù giá đã giảm nhiều so với thông báo lúc khởi điểm.
Hay trước đây, Cục THA dân sự TP ký hợp đồng thuê một công ty thẩm định giá căn nhà của bà NTV là 6,8 tỉ đồng, để bán đấu giá. Khi tổ chức bán đấu giá thì không có người đăng ký mua, chấp hành viên đã phải giảm giá theo quy định để tiếp tục bán. Tuy nhiên, sau đó chấp hành viên phải tiếp tục giảm giá lần hai nhưng vẫn không có ai đăng ký mua khiến đương sự nghi ngờ, yêu cầu được định giá lại…
“Trị” bằng cách nào?
Một nghịch lý hiện nay là trong khi DN dễ dàng trốn THA bằng cách “mất tích” thì những thành viên sáng lập ra DN lại có thể ung dung “rũ áo” đi đăng ký thành lập DN mới. Vì vậy, ngành THA đã nỗ lực đề ra nhiều biện pháp để “trị” DN dạng này. Từ năm 2010, Cục THA dân sự TP đã đăng tải tên DN trốn THA ở địa chỉ www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn. Trên cơ sở này cơ quan cấp phép kinh doanh sẽ rà tên giám đốc, thành viên chưa THA trên website để từ chối cấp phép. Nhiều địa phương khác còn “đón đầu” bằng cách kê biên tài sản ngay khi công ty có dấu hiệu tẩu tán hoặc siết chặt quản lý trên địa bàn…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp trên chỉ là tình thế, hiệu quả không cao. Điều quan trọng là phải sửa đổi các quy định liên quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động của DN để có thể dễ dàng xử lý khi chủ DN cố tình trốn.
Chờ chính sách vĩ mô
Đây là khó khăn do hoàn cảnh khách quan mang lại mà bản thân ngành THA đang phải “bó tay”, chưa thể tháo gỡ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tình trạng trên còn có thể diễn ra trầm trọng và khó kiểm soát hơn. Nhưng nếu chúng ta có những chính sách vĩ mô từ gốc của vấn đề, chẳng hạn Chính phủ bung tiền cứu các DN, tìm biện pháp kích cầu thị trường nhà đất… thì các khó khăn này sẽ được giảm bớt. Bởi lẽ thực tế về tâm lý, chẳng DN nào muốn mang tiếng nợ nần, phá sản hoặc dùng chiêu trò trốn THA. Họ cũng muốn kinh doanh lành mạnh và được pháp luật bảo vệ.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Chấp hành viên cần nhiệt tình hơn
Từ thực tế THA liên quan đến bảo hiểm xã hội, tôi thấy nếu chấp hành viên nhiệt tình hơn thì việc THA sẽ nhanh hơn, khả năng THA thành công cao hơn. Đặc biệt ở khâu ủy thác THA, nếu chấp hành viên tích cực hơn thì thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều. Vì tài sản của DN thường không tập trung một nơi, có khi trụ sở ở TP nhưng nhà xưởng, máy móc lại nằm ở Bình Dương. Nếu việc ủy thác THA không được làm kịp thời sẽ tạo cơ hội cho DN tẩu tán tài sản.
Ông NGUYỄN ĐĂNG TIẾN, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM
THANH TÙNG-phapluattp.vn
Các tin khác
- Sát thủ khoác áo tình nhân (15/05/2012)
- Sống sa đọa, gã anh họ cướp đời bé gái 11 tuổi (15/05/2012)
- Tương lai mờ mịt của bé gái trong kỳ án cha dượng hại con vợ (15/05/2012)
- Truy nã giám đốc lừa tiền tỉ (14/05/2012)
- Những gã trí thức “phát cuồng“ vì ghen... (14/05/2012)
- Kẻ giết ba người đẹp bị bắt khi “lang chạ“ với “máy bay già“ (14/05/2012)
- Bản án vô hình với người mẹ trẻ ép con chết (14/05/2012)
- 13.900 kg thịt thối được chở xuyên Việt có nguồn gốc Trung Quốc? (11/05/2012)
- Buồn bực nên chém... công an (10/05/2012)
- Một sinh viên chủ mưu giết bạn (10/05/2012)
- Lời kể của 2 thôn nữ trở về từ “tổ quỷ” (10/05/2012)
- Sự “nhầm lẫn“ lạ lùng sau một phiên tòa tại TP. HCM (09/05/2012)
- Bệnh nhân nguy kịch vì bác sĩ “chèo kéo“ ra ngoài“ trục lợi? (09/05/2012)
- Chiếc camera “tố“ kẻ sát nhân “tiễn” chồng ra “suối tội ác” (07/05/2012)
- Giết bạn gái trong phòng ngủ rồi tự thiêu (07/05/2012)
- Quảng cáo cấm xài chữ "nhất"? (07/05/2012)
- Bắt kẻ trốn lệnh truy nã đang làm phó giám đốc (07/05/2012)
- Bắt cóc trẻ để… gặp người yêu (07/05/2012)
- Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (14/11/2011)
- Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 (17/10/2011)
- Giảm 30% thuế TNDN năm 2011, miễn thuế TNCN đến hết năm 2012 (05/09/2011)
- Văn Phòng Luật Sư Toàn Cơ đang nhận chuyển nhượng “ trang trại tại mỹ và thương hiệu gà rán ” ở Mỹ (14/07/2011)
- Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (12/05/2011)
- Chủ tịch nước chính thức công bố 4 Luật mới (06/05/2011)
- Quyết định số 04 /2008/QĐ-BXD Về việc ban hành : “ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng” (09/03/2011)
- Văn Phòng Luật Sư Toàn Cơ đã vinh dự nhận chứng nhận “Thành Viên Hiệp Hội Luật Sư Châu Á Thái Bình Dương 2010” (21/12/2010)