Hỏi đáp
Năm 1984 bố mẹ tôi được cấp 15,7m x 60m đất ở thổ cư và 12m x 70m đất vườn có giá trị sử dụng là 50 năm. Năm 1994 mẹ tôi mất. Đến năm 1997 bố tôi lấy vợ hai. Năm 1998 mẹ hai sinh cho bố tôi 1 đứa con trai, vậy là bố tôi có 2 người con trai và 1 người con gái. Năm 2001 bố tôi xây 1 căn nhà 3 tầng kiên cố trên đất thổ cư của gia đình với diện tích là: 5m x 20m, tất cả tiền xây nhà ...

Năm 1984 bố mẹ tôi được cấp 15,7m x 60m đất ở thổ cư và 12m x 70m đất vườn có giá trị sử dụng là 50 năm. Năm 1994 mẹ tôi mất. Đến năm 1997 bố tôi lấy vợ hai. Năm 1998 mẹ hai sinh cho bố tôi 1 đứa con trai, vậy là bố tôi có 2 người con trai và 1 người con gái. Năm 2001 bố tôi xây 1 căn nhà 3 tầng kiên cố trên đất thổ cư của gia đình với diện tích là: 5m x 20m, tất cả tiền xây nhà là tài sản riêng của bố tôi, mẹ hai không góp 1 chút công sức nào. Năm 2002 bố tôi bị tai nạn mất đột ngột, không để lại di chúc. Khi đó bà ngoại và bà nội đang sống cùng gia đình tôi. Sau khi bố tôi mất, gia đình tôi được đền bù khoảng 100 triệu và mẹ hai tôi dùng toàn bộ số tiền đó để chăm lo cho cả gia đình. Sau đó, 2 bà tôi cũng mất, mẹ hai tôi nói rằng: đất thổ cư thì chia làm 3 phần cho 3 chị em tôi, còn đất vườn là của mẹ hai tôi. Năm 2009, mẹ hai bán đất vườn đi và lấy toàn bộ số tiền. Đến năm 2012 mẹ hai tôi đòi chia đất thổ cư nơi gia đình đang ở như sau: tôi được 5,7m x 60m, chị gái tôi được 4m x 60m, em trai tôi được 4m x 60m, mẹ hai tôi được 2m x 60m và gộp vào 4m x 60m của em trai tôi. Nhưng tôi và chị gái tôi phản đối vì là toàn bộ đất đai bao gồm đất thổ cư và đất vườn hộ đều là công sức của bố mẹ tôi mà có được. Vậy mẹ hai tôi chia thế là đúng hay sai? Tòa án sẽ xử lý như thế nào?



Câu hỏi của bạn có khá nhiều tình tiết, vì vậy để dễ dàng theo dõi tôi sẽ phân tích theo từng giai đoạn:

Từ 1984 đến 1994:

+ Năm 1984 bố mẹ bạn được cấp 15,7m x 60m đất thổ cư và 12m x 70m đất vườn có giá trị sử dụng là 50 năm. Như vậy tổng số đất bố mẹ bạn có là 15.7m x 60m đất thổ cư và 12m x 70m đất vườn.

+Năm 1994, mẹ bạn mất. Vì số đất trên là tài sản chung của bố và mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân do đó tổng số đất này sẽ được chia làm đôi cho bố và mẹ bạn. Như vậy, số đất mẹ bạn có 7.85m x 30m đất thổ cư và 6m x 35m đất vườn.Tuy nhiên bạn không nói rõ là mẹ bạn có để lại di chúc không, vì vậy tôi sẽ chia làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1, mẹ bạn để lại di chúc. Số đất trên sẽ được chia theo di chúc. Trừ trường hợp được quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005:

“Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”

Trường hợp 2, mẹ bạn không để lại di chúc. Số đất của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật tức là chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Trong trường hợp của gia đình bạn thì bao gồm: ông ngoại (nếu còn sống), bà ngoại, bố bạn, chị bạn và bạn .

Từ 1997 đến 2002

+ Năm 1997, bố bạn lấy vợ hai. Đến năm 1998, mẹ hai bạn sinh 1 đứa con trai.

+ Năm 2001, bố bạn xây 1 căn nhà 3 tầng trên 5m x 20m đất thổ cư. Bạn cho rằng tất cả số tiền xây nhà là tài sản riêng của bố bạn. Điều này là chưa chắc chắn bởi vì có thể xảy ra trường hợp: sau khi kết hôn với mẹ hai của bạn, bố bạn và mẹ hai bạn đã thỏa thuận nhập số tài sản riêng của 2 người thành khối tài sản chung, vậy số tiền xây nhà là tài sản chung của 2 người. Do đó, cần phải xác định rõ số tiền xây nhà trên là tài sản riêng của bố bạn hay là tài sản chung của bố bạn và mẹ hai.

+ Năm 2002, bố bạn bị tai nạn mất đột ngột và không để lại di chúc. Như vậy, di sản của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật (chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất).

Xác định số tài sản của bố bạn:

-Trường hợp thứ nhất: Sau khi bố bạn kết hôn với mẹ hai, 2 người đồng ý nhập số tài sản riêng của mỗi người thành khối tài sản chung. Tài sản của bố bạn sẽ là: ½ tổng số tài sản chung và 100 triệu được đền bù. Số di sản này được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: ông nội bạn (nếu còn sống), bà nội bạn, mẹ hai bạn, chị gái bạn, bạn và em trai bạn.

- Trường hợp thứ hai: sau khi kết hôn, bố bạn không đồng ý nhập số tài sản riêng của mình thành khối tài sản chung. Tài sản của bố bạn lúc này bao gồm: số tài sản riêng, ½ tổng số tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với mẹ hai của bạn và 100 triệu được đề bù. Số di sản này được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất như trong trường hợp thứ nhất.

Từ 2002 đến nay (năm 2012)

Một thời gian sau khi bố bạn mất, bà nội và bà ngoại bạn cũng qua đời. Nếu hai bà có tài sản thì sẽ được chia như sau:

+ Tài sản của bà nội bao gồm: tài sản riêng của bà (nếu còn) và tài sản bà nhận được sau khi chia di sản của bố bạn (nếu còn). Nếu bà mất để lại di chúc thì số tài sản này sẽ được chia theo di chúc , nếu bà không để lại di chúc thì di sản của bà sẽ được chia theo pháp luật và theo thừa kế thế vị được quy định tại Điều 677 BLDS 2005 như sau: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Thừa kế thế vị chỉ áp dụng trong quan hệ ruột thịt giữa người để lại di sản với những người được hưởng thừa kế. Bố bạn chết trước thời điểm bà mất nên chị gái bạn, bạn,và em trai bạn sẽ nhận được phần di sản mà đáng lẽ bố bạn được hưởng nếu còn sống và phần di sản này được chia đều cho 3 người.

+ Tài sản của bà ngoại bao gồm: tài sản riêng của bà (nếu còn) và tài sản bà nhận được sau khi chia di sản của mẹ bạn (nếu còn). Nếu bà mất để lại di chúc thì số tài sản này sẽ được chia theo di chúc , nếu bà không để lại di chúc thì di sản của bà sẽ được chia theo pháp luật và theo thừa kế thế vị. Cách chia như chia tài sản của bà nội, tuy nhiên, người được hưởng di sản của bà ngoại bạn chỉ có chị gái bạn và bạn.Vì em trai bạn không có quan hệ ruột thịt với bà ngoại bạn.

Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên thì việc chia tài sản của mẹ hai của bạn là không đúng pháp luật. Tòa án sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể và số tài sản chính xác của gia đình bạn để xử lý theo quy định của pháp luật theo hướng mà tôi đã phân tích ở trên.

Trả lời (Có tính chất tham khảo)


Các câu hỏi khác:

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet