Tin tức
Thợ mỏ giết “sếp” vì mức lương rẻ mạt
(07/08/2012)

Quá bức xúc trước mức lương rẻ mạt mà các chủ hầm mỏ người Trung Quốc chi trả, một nhóm thợ mỏ ở miền Nam Zambia cuối tuần qua đã tiến hành đình công, giết chết một quản lý và làm bị thương một người Trung Quốc khác.

Một công nhân Zambia tại mỏ than do người TQ quản lý. Ảnh: BBC

Trong vụ bạo loạn xảy ra ngày 4/8, một số công nhân người Zambia cũng đã bị thương khi đình công để phản đối việc chậm trễ áp dụng mức lương tối thiểu mới của các chủ hầm mỏ người Trung Quốc. Những người này tức giận vì dù làm việc vất vả nhưng lương của họ thấp hơn mức lương tối thiểu mới 220 USD/tháng.

“Ông Wu Shengzai, 50 tuổi, đã bị các công nhân giết chết sau khi bị các thợ mỏ đẩy một xe chở than đâm trúng khi ông đang chạy xuống tầng hầm tìm nơi trú ẩn” – ông Fred Mutondo thuộc ủy ban cảnh sát tỉnh Sinazongwa, cách thủ đô Lusaka 325km về phía Nam nói với truyền thông Zambia. “Ông này chết ngay tại chỗ trong khi đồng sự của ông đang được chữa trị trong bệnh viện” – ông Mutondo xác nhận.

Bộ trưởng Lao động Zambia đã đến mỏ than Collum ở Sinazongwa, do người Trung Quốc làm chủ – nơi xảy ra vụ bạo loạn. “Chúng tôi vẫn chưa làm rõ chính xác diễn biến vụ việc nhưng theo báo cáo mà tôi nhận được thì một người Trung Quốc đã bị giết chết và một người khác bị thương khi các công nhân yêu cầu được trả mức lương tối thiểu mới” – bộ trưởng Fackson Shamenda nói.

Ông Shamenda cũng cho biết đang điều tra về vụ việc. “Vụ giết người là rất đáng tiếc và tôi không hiểu tại sao luôn xảy ra căng thẳng giữa các nhà đầu tư Trung Quốc và công nhân tại Collum” – ông Shamenda nói thêm. Hồi tháng 10/2010, 2 giám đốc người Trung Quốc tại mỏ than Collum đã bắn bị thương 11 công nhân vì họ biểu tình phản đối mức lương thấp và đòi cải thiện điều kiện làm việc, buộc giới chức Zambia phải đóng cửa hầm mỏ và bắt giam 2 đối tượng nói trên.

Trung Quốc từ năm 2009 đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi cũng đã tăng một cách chóng mặt, từ dưới 100 triệu USD hồi năm 2003 lên đến 12 tỉ USD trong năm 2011.

Thương mại song phương châu Phi - Trung Quốc tăng gấp ba trong 3 năm qua, đạt 166 tỉ USD vào năm 2011. Hồi tháng trước, Trung Quốc đã cam kết tăng gấp đôi các khoản vay cho các nước châu Phi, lên 20 tỉ USD trong vòng 3 năm tới. Các công ty Trung Quốc đang triển khai hàng loạt dự án tại châu Phi, từ đập thủy điện, sân bay cho đến khai thác mỏ, nhà máy sản xuất điện gió...

Tại Zambia, Trung Quốc đã đầu tư hơn 400 triệu đô la vào các dự án, trong đó chủ yếu là các mỏ khai thác đồng.

Tuy nhiên, phần lớn công việc do Bắc Kinh đầu tư rơi vào tay lao động Trung Quốc di cư chứ không phải công nhân bản địa, đồng nghĩa với việc người dân Zambia ít được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư của Trung Quốc. Nếu được nhận vào làm việc thì giới chủ người Trung Quốc cũng chỉ trả cho lao động tại lục địa đen mức lương rẻ mạt, không tôn trọng hợp đồng lao động và bất chấp quyền lợi của người lao động.

Theo một báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) công bố hồi năm 2011, các điều kiện an toàn và điều kiện lao động tại các mỏ do người Trung Quốc kiểm soát tồi tệ hơn rất nhiều so với các khu mỏ khác cũng do người nước ngoài quản lý. “Tại Zambia, các công ty do người Trung Quốc quản lý là tồi tệ nhất trong việc đảm bảo sức khỏe, an toàn, giờ làm việc và quyền lợi của người lao động” – báo cáo có tên “Bạn sẽ bị sa thải nếu từ chối” viết.

Theo báo cáo nói trên, các chủ hầm mỏ Trung Quốc thường buộc công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại từ 12 đến 18 tiếng mỗi ca – vi phạm nghiêm trọng quy định ngày làm việc 8 tiếng của Zambia. Một số người thậm chí còn không có ngày nghỉ. Một công nhân tên Lister Mulambo, 26 tuổi, đang làm việc tại một hầm mỏ do người Trung Quốc quản lý cho biết, các công nhân tại đây đã không được tăng lương trong suốt 2 năm và số tiền mà họ nhận được thấp hơn rất nhiều so với các công nhân ở hầu hết các khu mỏ khác.

“Đây là một công việc nguy hiểm nhưng các thiết bị bảo hộ lại rất tồi tệ và họ cũng không thay mỗi 6 tháng theo quy định của pháp luật. Nếu anh chết hoặc mất một chân họ cũng chẳng chi trả tiền bồi thường. Nếu anh dám phàn nàn thì họ sẽ đuổi anh” - Mulambo kể về điều kiện lao động tại khu hầm mỏ của anh.

Một vụ nổ ở mỏ đồng tại Chambishi, Zambia năm 2005 đã làm 46 công nhân Zambia thiệt mạng. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc làn sóng phản đối các chủ đầu tư người Trung Quốc đang ngày càng tăng cao ở Zambia.

Tuệ Minh (Theo BBC, LA Times)

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet